TTCK Việt Nam trong cơn chấn động của TTCK thế giới

(ĐTCK-online) “TTCK Việt Nam nằm ngoài tầm ảnh hưởng của trận động đất mà TTCK thế giới phải gánh chịu trong 2 tuần qua” là chính kiến trên mặt báo của nhiều giáo sư, tiến sĩ và học giả tài chính. Câu chuyện xuất phát từ một mối lo ngại rằng, tình hình nhà đất tại Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn dự báo khiến cho tình trạng thất thoát vì nợ xấu liên quan đến địa ốc tăng nhanh.
Đến năm 2010, giá trị vốn hóa TTCK đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP Đến năm 2010, giá trị vốn hóa TTCK đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP

 Mối quan ngại ấy khuyến khích các ngân hàng và những tổ chức cung cấp tài chính lớn tại Mỹ nói rằng, họ phải rút bớt tiền ra khỏi các quỹ đầu tư của mình đang hoạt động trên khắp thế giới và các cơn địa chấn lan ra trên TTCK toàn cầu.

Miễn nhiễm hay còn bị cách ly?

Hiệu ứng Domino từ cơn khủng hoảng nhà đất ở Mỹ trong tháng 8 vừa qua thực chất xuất phát từ những mối lo ngại và hiệu ứng tâm lý của các tổ chức đầu tư và ngay lập tức TTCK thế giới gánh chịu hậu quả. Thực ra, điều mà các tổ chức đầu tư lo ngại chính xác là “một làn sóng thu hồi tiền mặt và gây thiếu hụt một lượng tiền lớn trong lưu thông” vẫn chưa thật sự diễn ra.

Chính phủ các nước nhận thức được mức độ nghiêm trọng của một “vết muỗi cắn” (một lo ngại về thị trường nhà đất) có thể làm “người khổng lồ” (TTCK Mỹ và các TTCK trên toàn cầu) ngã gục và hành động cấp thiết và đúng mức đã được thực hiện. Trong ngày 10/8, Ngân hàng Trung ương các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia… ồ ạt bơm ra thị trường tài chính gần 200 tỷ USD. Kết quả là các TTCK từ Á đến Âu đều đang hồi phục trở lại.

Điều ngạc nhiên là hết lần này đến lần khác, Việt Nam được xác định là ngoài tầm ảnh hưởng của các đợt khủng hoảng tài chính khu vực và quốc tế. Như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, nhiều quốc gia châu Á bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhưng Việt Nam chỉ bị dư chấn chút ít khi dòng vốn FDI từ các quốc gia châu Á bị ảnh hưởng trong các năm sau đó. Bong bóng dot.com năm 1999 tiếp tục làm TTCK thế giới chao đảo, nhưng dường như không có chút ảnh hưởng nào đến Việt Nam , nếu không muốn nói là Việt Nam được lợi do hạ tầng Internet quốc tế được đầu tư tốt hơn và rẻ hơn. Trong hai câu chuyện trên, Việt Nam xem như miễn nhiễm do chưa có TTCK và sự hội nhập của nền kinh tế vào nền kinh tế thế giới còn thấp.

Tuy nhiên với đợt khủng hoảng TTCK thế giới lần này, khi TTCK Việt Nam đã hoạt động hơn 7 năm, việc Việt Nam tiếp tục không bị ảnh hưởng cho thấy, có thể chúng ta vẫn ở một khoảng cách xa, thậm chí còn cách ly đối với dòng chảy của thị trường tài chính thế giới.

 

Nỗ lực hội nhập

Bất cứ chính phủ nào cũng trăn trở về việc giữ cho TTCK, “trái tim” của nền kinh tế, được an toàn và phát triển ổn định, tránh được các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Trong câu chuyện kinh tế vĩ mô, việc phát triển nền kinh tế bao cấp đã có lúc được nhìn nhận là có tính an toàn cao, nhưng rồi Việt Nam cũng đã chọn nền kinh tế thị trường, chọn con đường hội nhập với thế giới qua AFTA, WTO…, chọn mô hình công ty cổ phần làm giải pháp hiệu quả cho khối doanh nghiệp nhà nước và chọn TTCK, nơi các tổ chức nước ngoài có thể nắm đến 49% vốn của một DN Việt Nam.

Nghĩa là, định hướng chung của đất nước là hội nhập ngày càng sâu rộng và đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, hành xử theo nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Nếu “trái tim” của một nền kinh tế thị trường là TTCK thì Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 2 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam) đã chỉ rõ mục tiêu mạnh mẽ và cụ thể: “Phát triển thị trường vốn đa dạng để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của mọi đối tượng trong nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2010 giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP. Phấn đấu đến năm 2020, thị trường vốn Việt Nam phát triển tương đương thị trường các nước trong khu vực”.

Chính phủ đã vạch ra con đường phát triển của thị trường vốn rõ ràng như thế, tuy nhiên không phải tất cả bộ máy hiện nay đều có tư duy kinh tế phù hợp với chọn lựa này. Hơn 7 năm qua chưa có chính sách nào liên quan đến TTCK lại gặp phải sự không đồng thuận từ ngân hàng, công ty chứng khoán, nhà đầu tư và các nhà chuyên môn từ khi chưa được ban hành cho đến khi có hiệu lực như Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN (điều tiết tín dụng liên quan đến chứng khoán). Tâm lý của thị trường càng nặng nề hơn khi NHNN không đưa ra được một giải thích thuyết phục về việc áp dụng tỷ lệ khống chế cho vay đầu tư chứng khoán 3% tổng dư nợ của mỗi ngân hàng.

 

Bất động sản và chứng khoán, bên trọng bên khinh

Điều không thỏa đáng ở đây là trong khi nhà đầu tư phấn khởi với việc Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam, một đề án nhấn mạnh việc “đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của mọi đối tượng trong nền kinh tế”, thì đồng thời họ lại phải đối mặt với khó khăn thực tế khi các ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay thế chấp bằng cổ phiếu theo tinh thần Chỉ thị 03. Nhiều nhà đầu tư lạc quan vào tương lai và muốn chờ đợi TTCK sôi động trở lại, nhưng họ buộc phải bán các khoản đầu tư đang thua lỗ để trả nợ cho ngân hàng. Những ai đầu tư cổ phiếu niêm yết còn bán được, còn với nhà đầu tư cổ phiếu OTC thì gần như vô phương, vì thị trường này đã tê liệt từ mấy tháng nay.

Quay lại câu chuyện của TTCK thế giới hôm nay. Nguyên nhân gây ra cơn khủng hoảng lần này cũng bắt đầu từ các khoản tín dụng của ngân hàng, tuy nhiên không có một chút liên quan nào đến các khoản vay chứng khoán, mặc dù việc cho vay bằng chứng khoán và bán khống rất phổ biến tại TTCK nhiều nước. Từ hàng chục năm nay, các ngân hàng thương mại tại các quốc gia phát triển trên thế giới đã chuyển sang yêu thích những tài sản có tính thanh khoản cao như chứng khoán, giấy tờ có giá… và ngày càng thận trọng hơn đối với các tài sản thanh khoản kém hơn như nhà đất.

Ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng thương mại rất chuộng các khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản và cho vay thế chấp bằng bất động sản đã trở thành ưu tiên số 1, chiếm trên 70% tổng dư nợ tại nhiều ngân hàng TMCP, trong khi tỷ lệ này đối với chứng khoán còn rất nhỏ, hầu hết là dưới 10%. Xét ở khía cạnh đầu cơ đất (thực tế không thể chối cãi) và đầu cơ chứng khoán (nếu có thật), chưa thể khẳng định rủi ro từ hoạt động nào sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế hơn.

Nếu nhìn nhận thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua luôn ở trong tình trạng đầu tư quá mức khiến mặt bằng giá bị liệt vào tầm đắt đỏ nhất thế giới và TTCK Việt được nhìn nhận với rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì có thể dễ dàng rút ra kết luận xem giữa bất động sản và chứng khoán, bên nào đáng trọng hơn. Thế nhưng, không phải lúc nào bộ máy quản lý TTCK cũng đồng thuận với thực tế trên.

Tâm Thiện
Tâm Thiện

Tin cùng chuyên mục