TTCK Việt Nam: Lợi hại và... tai hại

Mỗi giai đoạn, TTCK lại xuất hiện những "căn bệnh" ảnh hưởng đến các NĐT, và không phải "bệnh" nào cũng dễ chữa. Sau đây là một số căn bệnh có thể lây lan từ năm 2012 sang năm 2013.
TTCK Việt Nam: Lợi hại và... tai hại

"Chém gió" lui vào hậu trường

Những phân tích, đặc biệt là dự báo cụ thể về diễn biến, xu hướng thị trường năm 2012 chỉ những chuyên gia, nhân vật thuộc hàng “có số" và các CTCK lớn trên TTCK mới mạnh dạn đưa ra lời vàng ý ngọc. Có 2 nguyên nhân chính lý giải cho sự việc này.

Thứ nhất, sự thất thường, ảm đạm của thị trường đã khiến nhiều chuyên gia tỏ ra chán nản và không còn theo sát. Yếu tố "đúng, sai" ở đây không được quyết định bởi "cái đầu", mà thay vào đó là chuyện "hên xui" nên khó có thể chê được ai hay ai dở.

Đơn cử như việc thị trường lao dốc sau vụ bầu Kiên bị bắt thì cỡ Warren Buffett hay George Soros, những huyền thoại đầu tư cũng chẳng thể dự báo nổi. Thiết nghĩ, thay vì chì chiết những chuyên gia về chuyện "đúng, sai", trong giai đoạn hiện nay nên tôn vinh họ, tất nhiên là những chuyên gia có tâm huyết, những nhận định đúng đắn thực sự.

Thứ hai, sự khó khăn của thị trường đã khiến nhiều CTCK "cạn máu" và không thể nuôi nổi bộ phận phân tích nên những bản tin, các nhận định dự báo ít hẳn đi. Đơn cử như trường hợp của CTCK Âu Việt, mới vài năm trước còn có một bộ phận phân tích khá hoành tráng, những người thuộc bộ phận này cũng thường xuất hiện trên báo chí.

Nhưng với việc kinh doanh yếu kém, Âu Việt đang rơi vào trạng thái kiệt quệ và phải lui vào bóng tối của thị trường. Nhưng cũng cần nói thêm rằng những nhận định về mặt "đại chúng" dù ít đi nhưng trong các khu vực khác vẫn khá rôm rả.

Đơn cử như việc một số CTCK vì mục tiêu lợi nhuận, đã "xúi" NĐT mua vào bán ra thật nhiều để có thể thu phí môi giới. Hay như một số nhân viên môi giới vẫn thường lên mạng xã hội hô hào về xu hướng của thị trường (chủ yếu là tích cực), nếu sai thì "ỉm" đi còn nếu đúng thì lại cho mình là tài năng.

Xu hướng của năm 2012 nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong năm 2013, các NĐT cũng chủ yếu là nghe/đọc... cho vui mà thôi.

 

Những "phú ông" chờ thời

Đầu tiên có thể kể đến những doanh nghiệp quyết định niêm yết vào thời điểm 2006-2007 hay 2009 đã và đang có ý định rút niêm yết. Lên sàn vào thời điểm thuận lợi, làm giàu nhờ thị trường, không chỉ công ty giàu mà ngay cả các sếp, các nhân viên trong công ty cũng giàu nhờ bán cổ phiếu.

Nhưng khi không thể "hút máu" thị trường được nữa, các doanh nghiệp này lại tính đường rút niêm yết với lý do tiết kiệm chi phí. Cuối cùng, những cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông bên ngoài phải chịu vạ vì những "phú ông" này.

Với việc nhiều doanh nghiệp "vỡ" kế hoạch trong năm 2012, nhiều khả năng năm 2013 này sẽ có một xu hướng đặt chỉ tiêu kinh doanh thấp một cách kinh ngạc. Đã lác đác vài doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh không có lãi, thậm chí lỗ ở một mức nào đó trong những năm trước, thì nay có thể xuất hiện nhiều hơn.

Rất khó để xác định kế hoạch kinh doanh thấp của doanh nghiệp có phù hợp với nội lực doanh nghiệp và với nền kinh tế hay không. Giả định: Những tháng cuối năm 2012 và đầu 2013, Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế. Thông thường độ trễ của các giải pháp sẽ từ 3-6 tháng.

Trong khi ĐHCĐ của doanh nghiệp thường diễn ra trong khoảng tháng 3-4, nên ở thời điểm "lửng lơ" này hoàn toàn có thể xuất hiện những kế hoạch thấp đi kèm với những "bi kịch" hóa từ lãnh đạo của các doanh nghiệp.

Cổ đông sau vài năm nhìn doanh nghiệp bết bát cũng chưa chắc "buồn" phản biện lại, thậm chí còn không muốn đi dự ĐHCĐ không chừng. Vì vậy, không thể loại trừ những trường hợp doanh nghiệp đặt kế hoạch cực thấp để không phải chịu nhiều áp lực từ cổ đông, hoặc để sau đó bật vọt lên để lãnh đạo có phần thưởng.

 

"Hung thần" ở ẩn để... biến dạng

Sau khi các "đội lái", vốn đã hoành hành mạnh trong 2 năm 2009 và 2010 ngã rạp trong năm 2011 và 2012, thị trường lại xuất hiện "hung thần" mới với tên gọi "nhà cái". Nhà cái là tên gọi những "ông lớn" nắm trong tay một lượng lớn những cổ phiếu có chất lượng, có thể tác động đến diễn biến của thị trường.

Nửa đầu năm 2012, các nhà cái hoạt động khá tích cực với những cách đánh khá tiêu biểu như 2 hoặc 3 phiên tăng rồi lại 1 phiên giảm, chưa kể tăng giảm cực kỳ khó lường ngay trong phiên đã khiến nhiều NĐT chỉ có nước... khóc ròng.

Chưa kể, các nhà cái còn tận dụng những diễn biến của thông tin kiểu "tin ra là chốt", hoặc "tin xấu phản ánh vào giá" để đẩy đưa thị trường theo hướng bất ngờ nhất. Chẳng hạn từ sáng đến đầu giờ chiều, thị trường giảm mạnh nhưng chỉ trong 10-15 phút cuối phiên bỗng nhiên tăng kịch trần hàng loạt với nhiều lý do rất hợp lý được đưa ra.

Nửa cuối năm 2012, do có nhiều thông tin quá sức tiêu cực nên các "nhà cái" cũng đành lui về ở ẩn. Nhưng khả năng nếu thị trường đầu năm 2013 tiếp tục có những diễn biến như đầu năm 2012, việc các "nhà cái" quay trở lại là điều có thể thấy được.

Một "hung thần" khác của thị trường chính là lực bán khống, trong năm 2012 có những thời điểm mà "hung thần" được nhìn nhận là lớn đến mức có thể mượn hàng triệu CP để "short" vẫn được. Các hung thần này rất giỏi "dọa nạt" thị trường mỗi khi điều chỉnh hoặc có tin xấu để từ đó trục lợi cho riêng mình.

Cuối năm 2012, việc CTCK HSC bị xử phạt vì những liên quan đến "hung thần" này có thể xem là một đòn chí mạng của UBCKNN. Nhiều khả năng, hung thần mang tên bán khống sẽ lại lui về bóng tối, ở ẩn để tìm ra những hình hài mới, kín đáo hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn nhằm tác động đến thị trường để thu lợi cho mình.


SGĐT

Tin cùng chuyên mục