TTCK Việt Nam: Đích đến và con đường

(ĐTCK) Khi khởi sự xây dựng TTCK Việt Nam gần 20 năm trước, vấn đề khó nhất, như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên - ông Lê Văn Châu, là làm thế nào để chứng minh tính hiệu quả của TTCK trong nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nay, trên nền một TTCK có quy mô vốn hóa 60 tỷ USD, vấn đề khó nhất là làm thế nào để TTCK thực hiện vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả trong nền kinh tế và đủ sức hội nhập.

Là một ngành non trẻ, nhưng mục tiêu và kỳ vọng về TTCK Việt Nam đã trở thành mối quan tâm chung của quốc gia khi giá trị cốt lõi mà thị trường này mang lại như sự minh bạch, quản trị hiệu quả, thúc đẩy nguồn lực chu chuyển theo quy luật thị trường, cũng đồng thời là giá trị mà nền kinh tế hướng tới. Năm 2006, Luật Chứng khoán ra đời, tạo hành lang pháp lý cao nhất cho việc tổ chức, vận hành TTCK. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 64 ban hành ngày 22/7/2016 của Chính phủ đã dành một mục, chỉ đạo về thị  trường tài chính. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hàng hóa trên TTCK, đưa TTCK phái sinh vào vận hành năm 2017, tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí. Khối công ty chứng khoán phải giảm số lượng, nâng cao năng lực và đổi mới... Phát triển TTCK đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong chiều dài phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Về mục tiêu, Chính phủ xác định đến năm 2020, quy mô vốn hóa TTCK bằng 70% GDP, các cấu phần thị trường vận hành đầy đủ và đồng bộ, TTCK Việt Nam có 1 Sở GDCK, là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực trong nền kinh tế và từng bước hội nhập.

Về nội lực, 16 năm mở cửa, TTCK đã huy động được trên 2 triệu tỷ đồng vốn, đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vốn phân bổ không đều khi sau “cơn say” cổ phiếu của công chúng đầu tư giai đoạn 2006-2007, khu vực DN rất khó huy động vốn. 3 năm gần đây, khu vực DN chỉ huy động được khoảng 25% tổng số vốn huy động qua TTCK, còn lại là Chính phủ huy động qua phát hành trái phiếu. Kênh huy động vốn nghiêng về một chủ thể, đòi hỏi các giải pháp cho TTCK không chỉ là thúc dòng vốn chảy mạnh, mà phải chảy mạnh hơn vào khu vực tư nhân.

Về khả năng cạnh tranh và hội nhập, ngay trong ASEAN, vốn hóa TTCK Việt Nam ở mức thấp và có khoảng cách rất xa so với nhiều nước. Cụ thể, vốn hóa TTCK chỉ bằng 1/5 so với TTCK Philipines, bằng 1/8 so với Indonesia, 1/10 TTCK Thái Lan, bằng 1/15 so với Malaysia và bằng 1/20 so với Singapore… Quy mô nhỏ, khung pháp lý chưa hoàn thiện, sức cạnh tranh của DN còn yếu… là những điểm hạn chế trên con đường hội nhập, thu hút các dòng vốn lớn chảy vào TTCK nước nhà.

Sang tuổi 17, Sở GDCK TP. HCM - Sở GDCK đầu tiên của Việt Nam – công bố mục tiêu đến năm 2020 nằm trong TOP 5  Sở GDCK tại ASEAN, với vốn hóa trên 60% GDP và thanh khoản 250 triệu USD/ngày. Mục tiêu này, theo Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh, là khát vọng, nhưng là khát vọng trong tầm với.

Đích đến của HOSE nói riêng, của TTCK Việt Nam đến năm 2020 đã được xác định rõ. Câu chuyện của tương lai là phải hợp sức lại, tìm ra con đường.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục