TTCK bước sang tháng 6 với một số tín hiệu tích cực phát đi từ kinh tế vĩ mô: Một là, lạm phát tháng 5 (2,21%) giảm nhiệt đáng kể so với tháng 4 (3,32%) và được dự báo ở mức thấp hơn vào tháng 6. Hai là, lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 và 5 năm không đổi so với đợt đấu thầu trước (13,3% và 13,2%/năm). Ba là, lãi suất liên ngân hàng gần đây giảm mạnh, xoay quanh mốc 11 - 12%/năm, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.
Mặt bằng lãi suất ở mức cao và có lẽ đang ở vùng đỉnh, nên trong ngắn hạn khó có thể kỳ vọng vào sự giảm mạnh bất ngờ. Tuy nhiên, việc mặt bằng giá cổ phiếu giảm sâu thêm một lần nữa sau đợt "bán ép buộc" vừa qua đã mang lại cơ hội đầu tư dài hạn theo chiến thuật mua để hưởng cổ tức tiền mặt, khi nhiều cổ phiếu đang có tỷ suất cổ tức lớn hơn lãi suất tiết kiệm của ngân hàng.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 6, chúng tôi tiếp tục nhận định thị trường theo ba hướng tiếp cận chính: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích dựa trên tâm lý NĐT.
Phân tích cơ bản
Lạm phát và lãi suất vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với nền kinh tế Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại và đó là lý do chính ngăn cản dòng vốn quay trở lại với TTCK trong suốt 5 tháng qua. Trong báo cáo này, chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề lạm phát, lãi suất thực dương, chiến thuật đầu tư theo tỷ suất sinh lợi cổ tức.
Lạm phát sẽ giảm nhiệt trong 2 tháng tới
Những nhân tố khiến lạm phát trong nước sẽ ổn định và giảm nhiệt trong thời gian tới là:
* Đợt sụt giảm của hàng hóa thế giới khi vào mùa "Sale Off" vào tháng 5 đã khiến áp lực lạm pháp ở Việt Nam giảm nhiệt phần nào. Phần lớn các hàng hóa cơ bản đều đã điều chỉnh giảm giá mạnh so với mốc đỉnh trong tháng 4 và giá hàng hóa trên thế giới hầu hết đều đang thấp hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Do vậy, trong thời gian tới, nếu giá thế giới có tăng trở lại thì có lẽ các cơ quan quản lý thị trường trong ngắn hạn khó có thể cho phép các DN tăng giá bán hàng theo đà tăng của giá thế giới ngay.
* Tỷ giá duy trì ổn định và VND đang có xu hướng mạnh lên, khiến giá hàng hóa nhập khẩu duy trì ở mức ổn định.
* Giá thực phẩm đã giảm liên tục trong thời gian qua. Thực phẩm là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong giỏ tính CPI, vì thế áp lực lạm phát sẽ giảm.
Lạm phát giảm nhiệt sẽ kéo mặt bằng lãi suất giảm theo. Nếu việc TTCK giảm giá sâu và kéo dài với những thông tin kinh tế tiêu cực xuất hiện liên tiếp là rào cản tâm lý đối với thị trường trong suốt thời gian vừa qua, thì những tín hiệu lạm phát và lãi suất có xu hướng giảm sẽ giúp NĐT lạc quan hơn và quay trở lại đầu tư vào TTCK (mặc dù lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao).
Lãi vay cao, nhưng không phải đối với mọi DN
Tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 6,2% và tăng trưởng cung tiền nhỏ hơn 1% tính tới thời điểm hiện tại, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm mà NHNN đặt ra. Tăng trưởng tín dụng bằng VND hiện vào khoảng 2,59%. Điều này cho thấy, không hẳn tất cả các DN đều đang đối mặt với lãi suất cao, khi mà phần lớn tốc độ tăng trưởng tín dụng là bằng vay USD. Minh chứng rõ nhất thể hiện qua con số nhập siêu toàn nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là 6,5 tỷ USD, tương đương 19% kim ngạch xuất khẩu (mục tiêu của Chính phủ trong Nghị quyết 11 là 16%). Lãi suất huy động USD ở mức thấp, cùng với VND có xu hướng ổn định, nên các DN đã đẩy mạnh vay USD nhằm giảm áp lực lãi suất. Rõ ràng, nhiều DN nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thắt chặt tiền tệ. Do vậy, kết quả kinh doanh của các DN trong 6 tháng đầu năm sẽ có sự phân hóa, chứ không sụt giảm đồng loạt như năm 2008.
Trần lãi suất 14%/năm vẫn có thể thực dương và lãi suất thỏa thuận có xu hướng giảm
Lãi suất huy động của các NHTM vẫn ở mức cao. Mức lãi suất thỏa thuận đã giảm nhiệt so với trung tuần tháng 5 (20%/năm), xuống 18 - 19%/năm (kỳ hạn tối đa 3 tháng). Chúng tôi không đồng tình với một số ý kiến rằng, mức trần lãi suất 14% như hiện tại không phải lãi suất thực dương với người gửi tiền. Lý do rất đơn giản, con số lạm phát tháng 5 là 19,78% so với cùng kỳ năm trước là con số của quá khứ (những ai gửi tiền trong quá khứ đã có mức lãi suất thực âm), trong khi gửi tiền ở hiện tại là kỳ vọng vào tương lai. Nếu lạm phát giảm trong dài hạn thì con số 14%/năm vẫn có thể là lãi suất thực dương, khi mà nhiều tổ chức đều dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh vào cuối quý III/2011.
Tất nhiên, lãi suất vẫn có thể cao trong ngắn hạn, khi mà thanh khoản của các NHTM chưa cao. Điều này được thể hiện qua lãi suất cao ở các kỳ hạn ngắn và thấp ở kỳ hạn dài. Như vậy, thanh khoản của NHTM sẽ là vấn đề mấu chốt để giảm lãi suất vào lúc này. Với việc NHNN bơm tiền mua USD, nguồn tiền gửi khách hàng tăng lên cùng với sự linh hoạt của NHNN khi điều hành thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu và 13.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đáo hạn đã giúp lãi suất thỏa thuận ở các NHTM giảm đáng kể vào cuối tháng 5. Các NHTM không còn sẵn sàng trả mức lãi suất huy động cao tới 19 - 20%. Lãi suất giảm bao giờ cũng là tín hiệu tốt đối với TTCK.
Chiến thuật đầu tư hưởng cổ tức
Đợt sụt giảm kéo dài 10 phiên liên tiếp đã kéo mặt bằng giá cổ phiếu xuống mức thấp mới, trong khi nhiều DN vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt. Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm vượt kế hoạch đề ra, có triển vọng cổ tức ở mức cao so với thị giá và có tỷ suất cổ tức cao hơn so với việc gửi lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Như vậy, việc đa số cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, trong đó có nhiều cổ phiếu blue-chip, thì việc đầu tư theo chiến thuật hưởng cổ tức sẽ giảm đáng kể rủi ro. Ngoài 10 cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao (xem bảng), thì một số cổ phiếu khác đáng quan tâm là HPG, PVC, PVE, PVG, PVI, PVX, REE, VHC, LSS.
10 cổ phiếu có tỷ suất cổ tức dự kiến bằng tiền mặt năm 2011 cao nhất
Mã |
Giá ngày 31/5 |
Cổ tức tiền mặt dự kiến 2011 |
Tỷ suất |
CMT |
8.400 |
30% |
35,71% |
NSN |
5.100 |
17% |
33,33% |
AVF |
12.000 |
40% |
33,33% |
DRH |
4.500 |
15% |
33,33% |
DTA |
5.600 |
17% |
30,36% |
VLA |
6.200 |
18% |
29,03% |
SMA |
7.000 |
20% |
28,57% |
APG |
5.300 |
15% |
28,30% |
IJC |
7.100 |
20% |
28,17% |
PTL |
6.400 |
18% |
28,13% |
Nguồn: Stoxplus, SMES tổng hợp
Phân tích kỹ thuật
Sau chuỗi ngày đi ngang kéo dài, TTCK đã giảm mạnh trong tháng 5, diễn ra đối với tất cả các ngành. HNX-Index xuống mức thấp nhất trong lịch sử. VN-Index rơi thấp hơn mốc 400 điểm trong 2 năm qua. Có thể nói, TTCK Việt Nam đã rơi vào cuộc khủng hoảng kép và là TTCK tồi tệ nhất thế giới trong hơn 2 năm qua.
Phân tích VN-Index
Với đợt giảm điểm mạnh, hầu hết các chỉ báo đều nằm trong vùng quá bán. Những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 đã giúp thị trường phục hồi.
Đồ thị tuần của VN-Index xuất hiện tín hiệu Bullish Bat. Dựa trên các tín hiệu kỹ thuật, chúng tôi cho rằng, có hai khả năng xảy ra: (i) Thị trường phục hồi đủ T+4 kể từ mốc đáy 370 điểm, sau đó điều chỉnh về đáy cũ hoặc thấp hơn, rồi quay trở lại chu kỳ tăng giá. (ii) Thị trường sẽ tăng giá theo hình chữ V tới vùng 440 điểm, sau đó có một vài phiên điều chỉnh nhẹ rồi tăng giá trở lại. Hỗ trợ 1 là mốc 370 điểm. Hỗ trợ 2 là mốc 350 điểm. Kháng cự 1 là mốc 420 điểm. Kháng cự 2 là mốc 440 điểm. Vùng giá kỳ vọng là 500 điểm.
Phân tích HNX-Index
HNX-Index đang nằm trên ngưỡng hỗ trợ mạnh trên đồ thị tuần. Đồ thị tuần cũng xuất hiện mẫu hình Bullish Butterfly, RSI(14) nằm trong vùng quá bán. Đây là những tín hiệu cảnh báo sự đảo chiều. Chúng tôi cho rằng, HNX-Index sẽ phục hồi tăng điểm trong tháng 6.
Phân tích dựa trên tâm lý NĐT
Trong 5 tháng qua, thị trường ở trạng thái đi ngang. Giai đoạn này thể hiện tâm lý chán nản của một bộ phận NĐT. Giao dịch 5 tháng đầu năm có quy mô thấp nhất trong 10 năm so với mức vốn hóa thị trường. Nhiều cổ phiếu không có giao dịch và toàn thị trường chỉ tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (large cap). Thông tin kinh tế vĩ mô và thông tin DN trong giai đoạn vừa qua diễn biến theo chiều hướng tháng sau tiêu cực hơn tháng trước. Mặc dù xu thế đi xuống đã yếu dần, nhưng thị trường duy trì các lệnh bán mang tính bắt buộc và giá cổ phiếu một lần nữa điều chỉnh xuống mức thấp trong lịch sử, một số cổ phiếu gần như mất giá trị, không ít cổ phiếu có giá trị thị trường thấp hơn khoản tiền mặt của công ty.
Với đợt rơi tự do trong tháng 5, nhiều NĐT dường như cảm thấy tuyệt vọng. Dựa trên những tín hiệu hiện tại, chúng tôi nhận thấy thị trường có những đặc điểm giống với thời kỳ thứ 3 của thị trường "con gấu" trong hệ thống lý thuyết Dow về TTCK. Hiện nay, tâm lý thị trường vẫn tập trung vào hai vấn đề:
* Vấn đề giải chấp, nợ xấu của các CTCK, khả năng thu hẹp hoạt động của dịch vụ tài chính khi lãi suất cho vay ở mức cao và nguồn tiền huy động làm dịch vụ của các CTCK gặp khó khăn.
* Sự cải thiện thanh khoản theo đà tăng điểm của thị trường. Độ rộng của thị trường phải tăng lên và phải có sự góp mặt của nhóm đầu cơ cao, chứ không phải sự đóng góp của bộ ba cổ phiếu vốn hóa lớn nhất khi thị trường tăng điểm.
Tóm lại, vẫn còn quá sớm để khẳng định thời kỳ suy giảm của thị trường "con gấu" đã kết thúc, nhưng thị trường đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ sự thay đổi của kinh tế vĩ mô lẫn tín hiệu thị trường. Tín hiệu rõ ràng hơn sẽ phụ thuộc vào thanh khoản của thị trường. Nếu thanh khoản được cải thiện trong những ngày đầu tháng 6 và trở lại giao dịch với 30 triệu cổ phiếu/phiên thì chu kỳ giảm giá vừa qua có thể kết thúc.