Top 10 Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững 2024

(ĐTCK) Hội đồng bình chọn báo cáo Phát triển bền vững, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác chuyên nghiệp là Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), nhận xét về các báo cáo lọt Top 10 Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững – một hạng mục giải thưởng của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024.
Top 10 Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững 2024

BIDV – Kiến tạo tương lai xanh

Báo cáo Phát triển bền vững của BIDV là một trong những báo cáo tốt nhất trong ngành tài chính ngân hàng, được trình bày rõ ràng, cấu trúc thoáng, đồ thị dễ đọc, minh họa đẹp, mặc dù vẫn còn một số hạn chế cơ bản như chưa báo cáo phát thải khí nhà kính.

Về cấu trúc, báo cáo của BIDV được lập theo chuẩn GRI. Các chi tiết về mục đích, cơ sở lập báo cáo, phạm vi báo cáo, nguồn thông tin, phát hành báo cáo, thông tin liên hệ cũng được trình bày tập trung, rõ ràng.

Về chiến lược, thông điệp Chủ tịch Hội đồng quản trị thể hiện rõ cam kết và lộ trình phát triển bền vững: “BIDV theo đuổi chiến lược định vị thương hiệu Ngân hàng Xanh, trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành ESG và tài chính bền vững, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh và thực hiện lộ trình chuyển đổi thành Ngân hàng phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero Bank) vào năm 2045”. Chiến lược thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của BIDV được báo cáo trình bày khá tỉ mỉ, thể hiện không chỉ cam kết chung mà cả hành động cụ thể của Ngân hàng.

Về mặt môi trường, BIDV có chiến lược và hành động cụ thể ở 3 chủ đề: hành trình trung hoà các-bon; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh; thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng. Từng chủ đề lại có các biện pháp, chiến dịch cụ thể như Chương trình “Trồng 1 triệu cây xanh”, Thử thách “21 ngày sống xanh” hay Chiến dịch “Tiêu dùng Xanh”.

Mặc dù BIDV chưa có báo cáo đo lường phát thải khí nhà kính nhưng các nỗ lực giảm phát thải của BIDV khá cụ thể ở tất cả các phạm vi (1, 2 và 3). Cụ thể, với nỗ lực giảm phát thải phạm vi 3, Ngân hàng đã thực hiện: rà soát các khách hàng thuộc danh mục thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 và giảm cho vay điện than.

Ngoài ra, trong nỗ lực trung hòa các-bon, BIDV đã triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Năm 2023, BIDV đã trồng mới 330.000 cây xanh ở các khu vực ven biển, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn... trên toàn quốc.

Với cam kết bình đẳng giới, báo cáo viết: “Tại BIDV, không có bất kỳ sự phân biệt về giới tính nào trong mọi chế độ, chính sách và hoạt động của Ngân hàng”. Tỷ lệ nữ giới trong tổng số người lao động và bộ máy quản lý đều cao.

Về chỉ tiêu, số liệu, báo cáo có trình bày đầy đủ các chỉ tiêu về tiêu thụ điện, nước, chất thải và nước thải, tuy nhiên chưa phân tích biến động, hoặc đề ra mục tiêu phấn đấu.

BVH – Sống bền vững cùng Bảo Việt

Như các năm trước, Báo cáo Phát triển bền vững năm 2023 của BVH với thông điệp “Sống bền vững cùng Bảo Việt” tiếp tục tập trung vào con người trong bối cảnh Tập đoàn chuẩn bị kỷ niệm 60 thành lập và phương châm “Giữ Trọn Niềm Tin”.

Mặc dù khá dài (263 trang, tăng 23 trang so với báo cáo năm trước) nhưng do cấu trúc chặt chẽ, bao gồm các tham chiếu, phần tóm tắt và minh họa sáng tạo, đồ thị đa dạng, thẩm mỹ, định dạng PDF tương tác..., Báo cáo Phát triển bền vững của BVH tiếp tục là một trong những báo cáo chuẩn và đẹp của năm nay.

Về mặt chiến lược phát triển bền vững, mặc dù có các thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo, Báo cáo vẫn cho thấy BVH tiếp tục kiên trì và có được sự cam kết cao nhất qua Thông điệp của Phụ trách Hội đồng quản trị, với sự tập trung vào phúc lợi xã hội. Điều này cũng đã thể hiện rõ ở sự tiến bộ đáng ghi nhận trong đánh giá (tự khai) của BVH cho bộ tiêu chí S&P Global ESG Score đã có 2 trong 3 lãnh vực trên mức trung bình ngành (thêm một lãnh vực là xã hội so với năm 2022). Điều này là đáng khích lệ vì BVH là một trong những đơn vị đầu tiên trên thị trường tự nguyện tham gia đánh giá ESG theo các chỉ tiêu được quốc tế công nhận.

Tiếp tục định hướng bền vững, doanh nghiệp đã “tham gia tích cực vào thị trường vốn xanh thông qua việc cân nhắc lựa chọn một số sản phẩm, công cụ tài chính xanh có ý nghĩa quan trọng...”. Tuy nhiên, cũng như năm qua, BVH tiếp tục nhận định là “tại Việt Nam, thị trường trái phiếu xanh vẫn còn sơ khai”.

Ngoài ra, BVH cũng tiếp tục “lồng ghép tính bền vững trong chuỗi cung ứng và quy trình lựa chọn nhà cung cấp”, bao gồm 15/100 điểm cho “trách nhiệm xã hội, môi trường” kiên trì với chiến lược “gắn kết yếu tố bền vững đối với nhà cung cấp cũng như các dự án đầu tư giúp Tập đoàn Bảo Việt tiến gần tới mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững, mang lại lợi ích cho Tập đoàn Bảo Việt và các đối tác tham gia”.

Về chuẩn mực, Báo cáo tiếp tục được lập theo tiêu chuẩn GRI, tuy nhiên, có sự cải thiện là đồng thời áp dụng thêm chỉ tiêu báo cáo dành cho ngành tài chính của GRI (G4-FS7 - chỉ tiêu Giá trị bằng tiền của các sản phẩm và dịch vụ phục vụ lợi ích xã hội - Monetary value of products and services designed to deliver a specific social benefit). Mặc dù tiêu chuẩn ngành này chưa phải là tiêu chuẩn cập nhật nhất nhưng việc BVH áp dụng chuẩn mực ngành là một điều đáng ghi nhận.

Về quản trị, BVH tiếp tục tích hợp “ESG trong quản trị hướng đến phát triển bền vững” thể hiện ở quy trình quản trị, đánh giá rủi ro bài bản, bao gồm cả rủi ro phát triển bền vững. Đồng thời, kiểm toán nội bộ BVH trong năm 2022, “đã thực hiện đảm bảo 8 chỉ tiêu (tăng thêm 4 chỉ tiêu so với năm 2021)” Tuy vậy, có một hạn chế là không có chỉ tiêu được đảm bảo nào liên quan đến môi trường.

Phần báo cáo về tác động môi trường của BVH tương đối đầy đủ, bao gồm cả theo dõi và kiểm soát lượng khí thải nhà kính và có Báo cáo Khí thải nhà kính (GHG Protocol) tại các tòa nhà Bảo Việt và bao gồm các phân tích biến động. Tuy nhiên, cũng như báo cáo năm trước, báo cáo năm nay chưa có giải thích nguyên nhân giảm thiểu cụ thể và thuyết phục nhất là về năng lượng tiêu thụ cho điều hòa, thang máy...

Nhìn chung, Báo cáo BVH tiếp tục là một báo cáo phát triển bền vững bài bản, chuẩn mực… mặc dù đã hơi đi vào lối mòn của các năm. Nên chăng, doanh nghiệp có một sự đánh giá tổng thể để có thể làm mới, hoàn thiện hơn báo cáo trong các năm sắp tới. Một lãnh vực cụ thể trước mắt là tập trung thêm vào báo cáo về môi trường, khí nhà kính để cải thiện điểm số trong DJSI CSA hoặc tăng thêm Kiểm toán nội bộ các chỉ tiêu môi trường để gia tăng sự tin cậy.

DCM – Kiến tạo giá trị bền vững hơn, thịnh vượng hơn

Mặc dù là năm đầu tiên lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt, Báo cáo của DCM khá đầy đủ, chi tiết và đặc biệt thể hiện độ tin cậy cao.

Về mặt chiến lược, Thông điệp của Chủ tịch Hội đồng quản trị đã nêu được cam kết chung ở các mặt bao gồm “Định hướng phát triển các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện môi trường.” và “có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội…”. Định hướng chiến lược này được chi tiết hóa ở nhiều lĩnh vực cụ thể như công nghệ sạch, năng lượng, (biến đổi khí hậu) giảm cường độ phát thải khí nhà kính ở cả ba phạm vi…

Các phân tích bối cảnh hoạt động được thực hiện tương đối bài bản. Các phần báo cáo về quy trình nhận diện, đánh giá mức độ ưu tiên của các bên liên quan (bao gồm phương thức tiếp cận và hành động của DCM), lĩnh vực trọng yếu và ma trận mức độ trọng yếu của các lĩnh vực, định hướng chiến lược phát triển bền vững & phát triển bền vững và chuỗi giá trị… cũng được trình bày rõ.

Về quản trị, DCM đã thành lập Ủy ban ESG - đơn vị chuyên môn trực thuộc Hội đồng quản trị có các chức năng tham mưu, tư vấn, giám sát các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và quản trị công ty cho Hội đồng quản trị, với chức năng tương đối rõ ràng. Quản lý rủi ro cũng được trình bày cụ thể, bao gồm rủi ro phát triển bền vững một cách chi tiết.

Các chỉ tiêu về môi trường của Báo cáo được trình bày rõ ràng, cụ thể có mức thuyết phục cao, mặc dù mức độ giảm thiểu tác động có thể không quá nhiều (do đặc thù công nghệ).

Các thành tích này được giải thích chi tiết là do kết quả của nhiều nỗ lực, bao gồm: sáng kiến đổi mới về “khí permeate là lượng khí nhiên liệu được thu hồi từ nhà máy xử lý khí”, “hoạt động liên tục và ổn định hơn 350 ngày mà không xảy ra bất kỳ sự cố dừng máy” (được Nhà bản quyền công nghệ Haldor Topsoe chứng nhận) hoặc “kỷ lục duy trì vận hành phân xưởng tạo hạt theo công nghệ hạt đục của Toyo với 45 ngày vận hành liên tục và ổn định” (được Nhà bản quyền Toyo Engineering Company (TEC) cấp chứng chỉ). Việc duy trì sự hoạt động liên tục của Nhà máy đã giúp giảm đáng kể lượng phát thải ra môi trường.

Báo cáo nước tiêu thụ và nước thải có số liệu so sánh 2 năm khá rõ ràng tuy nhiên ít giải trình về biến động. Ví dụ, tổng lượng nước thải từ hệ thống xử lý nước thải tại PVCFC và Bao bì Bạc Liêu năm 2023 tăng gần gấp đôi so với năm trước đó nhưng không có giải thích.

Các điểm sáng khác của báo cáo DCM có thể kể đến là: Bao gồm chỉ tiêu phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 2023-2030 và đa dạng sinh học, đề cập đến nhiều biện pháp thực hiện. Ngoài ra, báo cáo còn có đảm bảo 4 chỉ tiêu từ Deloitte Vietnam về điện, nước tiêu thụ và lao động.

Tóm lại, báo cáo của DCM là một báo cáo khá tốt, tuy, vậy vẫn còn nhiều điểm mà DCM có thể cải thiện để báo cáo tốt hơn như đề cập ở trên. Ngoài ra, nếu có thêm một phân tích mở rộng về khí nhà kính Scope 3 thì sẽ làm cho báo cáo thật sự đầy đủ.

Imexpharm - Bước tiến vượt bậc

Trong mùa giải năm 2023, Ban tổ chức đã nhận định báo cáo Phát triển bền vững của Imexpharm rất có tiềm năng đạt được thứ hạng cao hơn và dự đoán đó đã thành hiện thực trong năm nay. Imexpharm đã lọt vào Top 5 Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất và được trao giải Báo cáo Phát triển bền vững có tính đầy đủ nhất.

Kết quả cho thấy nỗ lực không ngừng của Imexpharm và cam kết chất lượng báo cáo phát triển bền vững trong nhiều năm qua. Đây cũng là một phần trong cam kết “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho tương lai Việt Nam” mà Imexpharm đã sử dụng làm tiêu đề của báo cáo phát triển bền vững năm nay.

Bảng điểm năm 2024 cho thấy Imexpharm tăng 20 điểm ở hạng mục tính đầy đủ. Hạng mục này bao gồm các tiêu chí rất quan trọng của một báo cáo phát triển bền vững như đánh giá trọng yếu, sự tham gia của các bên liên quan, chiến lược, bối cảnh và các chỉ số hoạt động… Imexpharm đã bám sát hướng dẫn báo cáo của GRI đối với các tiêu chí này nên đã đạt điểm số bình quân 85% so với điểm tối đa của hạng mục này. Tuy nhiên, điểm số này có thể tăng nữa nếu báo cáo trình bày tốt hơn các nội dung như phân tích sâu các chỉ số, so sánh kết quả hoạt động với chỉ tiêu và cách thức xác định các bên liên quan. Ban Giám khảo cũng đánh giá cao phần mô tả phương pháp quản trị chung cho từng nhóm chỉ số và khuyến khích Imexpharm trình bày cụ thể hơn cách tiếp cận và phương pháp đo lường các chỉ số trong các báo cáo sau này để điểm số được cao hơn.

Đối với một đơn vị sản xuất, chỉ số phát thải khí nhà kính là một chỉ số rất quan trọng. Imexpharm đã công bố kết quả đo lường khí nhà kính và so sánh mức phát thải qua các năm. Đây là điểm son trong báo cáo, tuy vậy, Ban Giám khảo kỳ vọng các báo cáo trong tương lai phân tích các ảnh hưởng của hoạt động sản xuất - kinh doanh đối với việc phát thải khí nhà kính cũng như đưa ra các mục tiêu và kế hoạch cắt giảm phát thải cụ thể.

OCB - Hành trình chuyển đổi ngân hàng xanh

Đây là năm đầu tiên OCB lập báo cáo phát triển bền vững. Nhìn chung, báo cáo được lập khá chỉn chu, cấu trúc chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản và trình bày đẹp mắt.

Về mặt chiến lược, Thông điệp của Chủ tịch Hội đồng quản trị khá rõ ràng với cam kết phát triển bền vững trên các lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng, “với mục tiêu trở thành ngân hàng Xanh tiên phong tại Việt Nam trong việc chuyển đổi số và xây dựng hội sở theo chuẩn công trình xanh…”; đồng thời, gia tăng quy mô “của tín dụng xanh tăng dần trung bình 8 - 10% toàn bộ Ngân hàng”.

Về quản trị, OCB đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững trực thuộc Hội đồng quản trị và Giám đốc Phát triển bền vững với các chức năng và nhiệm vụ rõ ràng.

Báo cáo đã phân tích các bên liên quan, hành động rõ ràng và minh chứng bởi các nhận xét của các bên liên quan; có phân tích các vấn đề trọng yếu, ma trận chủ đề trọng yếu một cách rõ ràng và thuyết phục, đồng thời gắn kết chiến lược phát triển bền vững với SDG.

Về số liệu, báo cáo đã trình bày rõ về các số liệu tiêu thụ (so sánh qua các năm 2021 - 2023) và biện pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Kết quả về môi trường: giảm thiểu nước sử dụng 9 Megalit, 188 tấn CO2e, 12,3% tỷ lệ cường độ sử dụng năng lượng so với năm 2022.

Báo cáo về khí nhà kính khá chi tiết và rõ ràng bao gồm các số liệu so sánh qua các năm 2021 - 2023, phạm vi 1 và 2, phương thức thu thập và tính toán kết hợp với các giải trình và miêu tả biện pháp giảm thiểu. Tuy nhiên, vẫn chưa có thống kê về phạm vi 3 và mục tiêu phấn đấu.

Có chiến lược tương đối rõ ràng về tài chính xanh, quy trình và các giải pháp tài chính cũng như thành tựu nổi bật và hoạt động tiêu biểu cho vay nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long, tuy nhiên, chưa có mục tiêu phấn đấu trung và dài hạn.

Về cân bằng giới, OCB có 55% nhân viên nữ và số lượng nhân viên nữ ở cấp quản lý cũng có sự gia tăng đều đặn (năm 2021 là 41%, năm 2023 là 44,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ nữ trong cấp quản lý vẫn thấp hơn tỷ lệ nhân viên và chưa có miêu tả về biện pháp, chính sách và mục tiêu.

Về chuẩn mực, báo cáo có tham chiếu GRI với số trang cụ thể và trình bày đúng theo cấu trúc của GRI.

Tóm lại, trong năm đầu tiên của mình báo OCB đã thể hiện được tiềm năng của một báo cáo tốt, bài bản, được trình bày súc tích và sáng sủa và xứng đáng nhận được giải Báo cáo Phát triển bền vững tiến bộ nhất.

Ngoài những mặt có thể hoàn thiện thêm như đề cập ở trên mà cụ thể là bổ sung các mục tiêu phấn đấu, OCB có thể có tăng cường độ tin cậy của các số liệu bằng các hoạt động kiểm toán nội bộ, hoặc tổ chức độc lập…

PAN - Nghĩ Lành, Làm Vững

Tập đoàn PAN đã đưa tâm niệm “Nghĩ Lành, Làm Vững” vào thông điệp của Tổng giám đốc trong báo cáo PTBV năm 2024 nhằm truyền tải cam kết bảo vệ môi trường và xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững. Thông điệp đó đã được Tập đoàn PAN lồng ghép xuyên suốt trong toàn bộ nội dung của báo cáo.

Mặc dù Tập đoàn PAN vẫn nằm trong Top 10 Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất, nhưng điểm số năm nay cho thấy báo cáo của PAN chưa đạt được mức kỳ vọng của một doanh nghiệp có bề dầy làm báo cáo phát triển bền vững. Cả ba hạng mục Đầy Đủ, Tin Cậy và Trình Bày đều cần có sự thay đổi tích cực hơn trong tương lai.

Nhìn chung, báo cáo vẫn tuân theo hướng dẫn của GRI và trình bày các yếu tố cơ bản nhất cần có. Doanh nghiệp đã mô tả khá tốt quá trình xác định các bên liên quan và hành động nhằm đáp ứng mối quan tâm của họ. Báo cáo cũng trình bày rõ ràng cơ cấu quản trị và chính sách, kế hoạch quản trị rủi ro. Điều này cho thấy PAN vẫn tiếp tục duy trì yếu tố nền tảng cho việc phát triển bền vững.

Tuy nhiên, báo cáo của PAN sẽ có chất lượng tốt hơn nếu doanh nghiệp trình bày rõ ràng phần chiến lược và mục tiêu, phương pháp tiếp cận và đo lường các chỉ số, đặt mục tiêu và so sánh kết quả hoạt động với mục tiêu, quy trình kiểm toán nội bộ để đảm bảo tính chính xác cho các chỉ số hoạt động, đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, các hệ thống quản lý mà doanh nghiệp đang áp dụng…

Về hình thức, báo cáo có bố cục tốt, hình ảnh đẹp, màu sắc hài hòa. Mặc dù vậy, yếu tố cấu trúc và sự liên kết thông tin từ các nguồn khác nhau cần được cải thiện thêm.

PETROLIMEX và hành trình hướng tới năng lượng xanh

Petrolimex đang tích cực chuyển đổi để trở thành một Tập đoàn năng lượng xanh, sạch, và thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Chiến lược phát triển bền vững của Petrolimex tập trung vào việc giảm phát thải CO2, chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

Sau COP28 năm 2023, ngành năng lượng toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ với cam kết giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thị trường xăng dầu thế giới cũng có nhiều biến động. Petrolimex phải đối mặt với thách thức trong việc hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, và quản lý rủi ro từ thị trường nội địa đang ngày càng tiệm cận với thị trường thế giới.

Petrolimex nhận thấy cơ hội lớn từ việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ năng lượng mới, cùng với việc áp dụng công nghệ số để tăng tốc độ vận hành và quản trị. Chiến lược của Tập đoàn tập trung vào các lĩnh vực sau:

Chuyển dịch năng lượng xanh: Kinh doanh các loại nhiên liệu phát thải thấp như xăng sinh học E5, nhiên liệu EURO IV, V. Đồng thời, Tập đoàn cũng triển khai các dự án điện mặt trời, hợp tác với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu năng lượng tái tạo.

Đổi mới sáng tạo: Khuyến khích các sáng kiến mới trong quản trị doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm khách hàng và quản lý chuỗi cung ứng.

Hợp tác chiến lược: Hợp tác với VinFast để lắp đặt trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu và phát triển các dự án năng lượng sạch với ENEOS.

Đầu tư vào năng lượng sạch: Phát triển dự án năng lượng mới như Hydrogen và Biofuel, đo lường và giảm phát thải CO2, và triển khai các dự án xanh tại kho, cảng.

Xây dựng năng lực về năng lượng xanh: Thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về năng lượng xanh và xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ mới.

Chiến lược phát triển bền vững của Petrolimex là một cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường của Việt Nam. Tập đoàn đang không ngừng nỗ lực để nắm bắt các cơ hội từ quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu, đồng thời đối mặt và vượt qua những thách thức lớn trong ngành. Với tầm nhìn chiến lược và các bước đi cụ thể, Petrolimex đang dần khẳng định vai trò tiên phong trong việc phát triển bền vững và chuyển đổi sang năng lượng xanh tại Việt Nam.

STK – Thách thức song hành cơ hội

Năm 2024, Sợi Thế Kỷ (STK) tiếp tục thể hiện cam kết và đầu tư về Phát triển Bền vững (PTBV) một cách mạnh mẽ với một báo cáo PTBV riêng được trình bày theo một cơ cấu nội dung khá hợp lý, bám theo các nhóm tiêu chuẩn GRI và có những liên kết cụ thể với báo cáo thường niên. Các trọng tâm, các cam kết PTBV gắn với đặc thù ngành được khẳng định rõ ràng thông qua thông điệp của lãnh đạo STK.

Báo cáo của STK cũng là một trong những số ít đơn vị đưa ra được cam kết chiến lược cụ thể về cắt giảm khí nhà kính 29,4% trong giai đoạn 2023-2027 cho một nhãn hàng cụ thể dựa trên SBTi. Bên cạnh những số liệu thống kê ấn tượng về kết quả và thành tựu PTBV trong chặng đường 23 năm phát triển như giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm lượng các-bon foot-print. STK cũng nhấn mạnh về một mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới PTBV thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể từ đầu tư, sản xuất, nghiên cứu - phát triển, bán hàng và phân phối và tái chế - tái sử dụng.

Đặc biệt, trong báo cáo PTBV 2024, STK tập trung nhiều thông tin về việc triển khai và áp dụng thành công các sáng kiến về PTBV/ESG theo những thông lệ tốt về quản lý, đo lường và công bố thông tin về khí nhà kính đối với Nhà máy Trảng Bàng như một ví dụ điển hình, bao gồm cam kết SBTi, đánh giá và kiểm kê Phạm vi 1 và Phạm vi 2 với sự tham gia của một bên tư vấn độc lập.

Tuy nhiên, báo cáo PTBV cũng STK vẫn còn một số điểm có thể cải thiện để phản ánh tốt hơn các kết quả và tác động về PTBV cũng như để mang lại nhiều thông tin giá trị hơn cho người sử dụng báo cáo.

Cụ thể, STK cần miêu tả cụ thể hơn về quá trình tham vấn các bên hữu quan, thể hiện việc tích hợp chặt chẽ hơn với các mục tiêu SDGs cũng như tính xuyên suốt của các tác động PTBV/khí nhà kính theo chuỗi giá trị. Việc sử dụng nhiều đồ thị quá phức tạp cũng có ảnh hưởng nhất định tới khả năng tiếp nhận thông tin trình bày và việc đưa quá nhiều thông tin về bối cảnh PTBV chung bên ngoài doanh nghiệp cũng có thể làm loãng mức độ tập trung thông tin về PTBV của chính STK.

VCS – Chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển

Là một doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu trải rộng trên hơn 50 quốc gia, năm 2023 là một năm đầy thử thách với Vicostone (VCS) khi phải đối mặt với những áp lực về tăng trưởng, lạm phát và bất ổn địa chính trị. VCS đã thể hiện nỗ lực trong việc tăng cường quản trị bền vững và phát triển các sáng kiến ESG để duy trì vị thế tiên phong trong ngành sản xuất đá thạch anh nhân tạo.

Năm nay là năm thứ 10 liên tiếp VCS xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững riêng. Với chủ đề “Chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển”, báo cáo của VCS được đánh giá là một báo cáo tương đối đầy đủ và toàn diện.

Về các bên liên quan, “Vicostone luôn chú trọng, xem xét đến các vấn đề mà các bên liên quan đang quan tâm, đồng thời tìm cách tiếp cận sâu sát, hiệu quả nhất để gắn kết các bên liên quan” và VCS đã mô tả khá tốt quá trình xác định các mối quan tâm của bên liên quan và hành động của VCS nhằm đáp ứng mối quan tâm của họ

Về môi trường, VCS chú trọng sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Các chính sách tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, cải thiện hiệu quả sử dụng nước, giảm thiểu lượng phát thải ra môi trường... luôn được VCS cam kết và áp dụng tích cực. Báo cáo về khí nhà kính trong phạm vi 1 và 2 được trình bày khá chi tiết, bao gồm các số liệu so sánh qua các năm 2021 - 2023, các cam kết kiểm soát và những hành động để giảm thiểu lượng phát thải.

Về quản trị, VCS đã thiết lập một cơ cấu quản trị, kiểm soát gắn với phát triển bền vững. Ngoài việc nhận diện, quản trị các rủi ro về kinh tế, pháp lý, xã hội..., Công ty đã phân tích và triển khai giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về bình đẳng giới, do đặc thù ngành nên tỷ lệ nhân viên nam chiếm đa số trong công ty tuy nhiên thu nhập bình quân của nam và nữ không có sự chênh lệch nhiều. Ngoài quan tâm đến sức khỏe, phúc lợi của nhân viên, VCS vẫn duy trì việc đầu tư mạnh vào đào tạo và nâng cao năng lực nhân sự để tạo nên môi trường làm việc an toàn, hiệu quả; đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại cộng đồng địa phương.

Nhìn chung, các thông tin được VCS trình bày khá đầy đủ và hỗ trợ cho nhau. Trong những năm tiếp theo, VCS có thể cải thiện báo cáo thông qua việc công bố rõ hơn các mục tiêu cụ thể, đặc biệt là Net Zero và lộ trình thực hiện. VCS cũng cần cập nhật các chỉ tiêu phân tích cường độ và có các tham chiếu với ngành, cũng như mô tả tác động ESG xuyên suốt chuỗi cung ứng của Công ty. Các đảm bảo từ Ủy ban Kiểm toán cũng nên được thực hiện theo các khung tiêu chuẩn đảm bảo được công nhận chung.

VINAMILK - Hành trình xanh, tương lai bền vững

Năm 2023 đánh dấu bước tiến lớn của Vinamilk trong việc giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt là cam kết Net Zero vào năm 2050. Là doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam tham gia Sáng kiến Toàn cầu về Net Zero, Vinamilk đã triển khai chương trình “Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050”. Công ty đặt ra mục tiêu giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027 và đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Trong năm qua, Vinamilk đã đạt được những thành quả đáng kể, bao gồm trung hòa 17.560 tấn CO2, tương đương với việc trồng 1,7 triệu cây xanh. Các nhà máy và trang trại của Công ty tuân thủ tiêu chuẩn ISO 14064 và đạt chứng nhận trung hòa các-bon theo chuẩn PAS 2060:2014. Vinamilk còn tiết kiệm hơn 877.125 kWh năng lượng xanh, trồng thêm 1,1 triệu cây xanh và chuyển sang sử dụng túi nhựa tự hủy sinh học. Những nỗ lực này không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, mà còn giúp Công ty duy trì vị thế tiên phong trong ngành sữa toàn cầu.

Vinamilk luôn cam kết gắn bó với cộng đồng, với nhiều chương trình có tác động sâu rộng: Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam, Chương trình Sữa học đường... Vinamilk cũng đầu tư vào quỹ học bổng, xây dựng trường học và tổ chức các chương trình khám sức khỏe cũng như tư vấn dinh dưỡng cho cộng đồng.

Không chỉ tập trung vào trẻ em, Vinamilk còn hướng đến người cao tuổi và bệnh nhân với các chương trình như “Ăn ngon ngủ ngon”. Công ty cũng tổ chức các khóa đào tạo về dinh dưỡng cho nhân viên y tế, điều dưỡng và tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo. Qua đó, Vinamilk không chỉ cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm xã hội.

Vinamilk cũng chú trọng đến phúc lợi động vật trong chuỗi cung ứng sữa tươi. Các trang trại của Vinamilk đều đạt chứng nhận GlobalG.A.P., đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt, bao gồm cả phúc lợi động vật. Vinamilk áp dụng mô hình trang trại sinh thái “Vinamilk Green Farm”, mang đến môi trường sống tốt nhất cho đàn bò. Đàn bò được cung cấp chế độ dinh dưỡng cân đối, nước uống sạch và không gian sống thoải mái. Công ty cũng đảm bảo chăm sóc y tế thường xuyên cho đàn bò, giúp nâng cao sức khỏe và năng suất sữa.

Ngoài ra, Vinamilk thực hiện các mô hình sinh thái bảo vệ môi trường xung quanh trang trại, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức và môi trường.

Trong mùa báo cáo năm nay, Vinamilk đã khẳng định vị thế tiên phong trong ngành sữa thông qua những thành tựu nổi bật về bảo vệ môi trường, phúc lợi động vật, và trách nhiệm xã hội. Những nỗ lực này không chỉ củng cố vị thế của Vinamilk tại Việt Nam mà còn nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên trường quốc tế; đồng thời, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Vinamilk xứng đáng được vinh danh ở hai hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất và Công bố thông tin khí nhà kính tốt nhất.

Hội đồng bình chọn Báo cáo Phát triển Bền vững

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục