Bộ Tài chính đã ấn định thời điểm cụ thể…
Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) triển khai xây dựng TTCK phái sinh, đặt mục tiêu đưa thị trường này vào hoạt động trong quý III - IV/2016.
Mốc thời gian này đã cụ thể hơn so với nội dung đề cập tại Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 366/2014.
Theo văn bản này, đến cuối năm 2015, nhà quản lý cũng như các bên liên quan phải hoàn tất hai việc: xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, để đưa thị trường vào vận hành trong năm 2016.
Việc Bộ Tài chính ấn định rõ thời điểm mở cửa TTCK phái sinh là thông điệp được nhiều thành viên thị trường trông đợi, bởi nó xua tan một số nghi ngại khó mở cửa TTCK phái sinh trong năm tới như mục tiêu đã đề ra, nhất là trong bối cảnh TTCK Trung Quốc gần đây có những biến động tiêu cực khiến một số ý kiến lo ngại nhà quản lý sẽ thận trọng hơn trong triển khai các sản phẩm mới.
Theo Bộ Tài chính, trước mắt, sẽ mở TTCK phái sinh với 2 sản phẩm đầu tiên là: hợp đồng tương lai chỉ số dựa trên các chỉ số TTCK do các sở GDCK xây dựng, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
Riêng hoạt động đào tạo, phổ cập kiến thức về TTCK phái sinh tới thị trường, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phái sinh từ quý III/2015. UBCK phải tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, thành viên thị trường cùng xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.
Liên quan đến tiến độ hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính giao UBCK tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2015 về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, xây dựng các quy chế nghiệp vụ, quy trình thống nhất theo Thông tư hướng dẫn.
Bộ Tài chính giao HNX là đơn vị tổ chức triển khai hoạt động giao dịch cho TTCK phái sinh theo các chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời giao VSD thực hiện bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh.
HNX và VSD phối hợp xây dựng dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị, đảm bảo phù hợp với quy mô, cơ cấu tổ chức thị trường và yêu cầu quản lý TTCK trong giai đoạn đầu (khoảng 5 năm).
Theo Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long, đến thời điểm này, về cơ bản, những quy định đảm bảo cho sự ra đời và phát triển của TTCK phái sinh đã đầy đủ. Vấn đề còn lại là chi tiết hoá các quy định này bằng thông tư hướng dẫn và các quy chế của HNX và VSD.
Riêng dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ các thành viên thị trường tại Hội thảo về TTCK phái sinh mới đây, UBCK đang khẩn trương hoàn tất dự thảo Thông tư để trình Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới.
… song, còn nhiều thách thức
Dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết về TTCK phái sinh và các quy trình, quy chế của HNX, VSD trong vận hành TTCK phái sinh đang trong giai đoạn hoàn thiện, chờ ban hành và theo nhìn nhận của các thành viên thị trường, đây mới là những văn bản quan trọng nhất đối với họ.
Do các văn bản này hướng dẫn chi tiết, mô tả cụ thể quy trình kỹ thuật về cơ chế vận hành của hệ thống niêm yết, giao dịch, thanh toán, bù trừ…, nên nếu không sớm được ban hành, các bên liên quan, nhất là khối CTCK sẽ khó có cơ sở để tham chiếu trong quá trình xây dựng hệ thống giao dịch cũng như các sản phẩm, dịch vụ nhằm linh hoạt đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Trong khi việc hoàn tất hệ thống giao dịch, niêm yết trên HNX được nhìn nhận là không quá phức tạp, thì Hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) do VSD triển khai đang đối mặt với không ít thách thức. Kinh nghiệm triển khai CCP ở nhiều thị trường cho thấy tốn khá nhiều thời gian vì tính chất phức tạp của nó.
Trong khi CCP là hệ thống mới, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, đòi hỏi VSD cũng như các bên liên quan phải nỗ lực vượt qua thách thức thì mới có thể đáp ứng được tiến độ để sẵn sàng cho mở cửa TTCK phái sinh vào quý III-IV/2016 như yêu cầu của Bộ Tài chính.