“Hạ tầng giao dịch không còn vướng mắc”
Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết như vậy tại cuộc họp báo chuyên đề về TTCK phái sinh do Bộ Tài chính tổ chức chiều 4/6.
Theo ông Long, do chứng khoán phái sinh được niêm yết trên Sở GDCK và các lệnh giao dịch cũng tương tự như các loại chứng khoán cơ sở, nên việc chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho triển khai TTCK phái sinh không quá phức tạp. Hệ thống giao dịch hiện tại của Sở GDCK có thể sử dụng cho việc niêm yết, giao dịch chứng khoán phái sinh, nên chỉ cần bổ sung một số tính năng mới là đáp ứng được yêu cầu.
Liên quan đến một mảng hạ tầng quan trọng khác là hệ thống công nghệ phục vụ cho hoạt động lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, lãnh đạo UBCK cho biết, hệ thống này rất mới đối với Việt Nam, nhưng đã phổ biến trên thế giới từ lâu, từ thế kỷ 15 - 16, TTCK phái sinh đã xuất hiện ở Hà Lan.
Là nước đi sau trong triển khai TTCK phái sinh, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong lựa chọn triển khai hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh. UBCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các bên liên quan đang lựa chọn, triển khai theo phương án tối ưu nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai TTCK phái sinh hiệu quả trong thời gian tới.
Sắp đẩy mạnh hoạt động đào tạo
“Để triển khai thành công TTCK phái sinh, hoạt động tuyên truyền, đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao dịch cho các thành viên thị trường, đặc biệt là các NĐT có ý nghĩa rất quan trọng. Trên cơ sở đó sẽ dần hình thành sức cầu đủ lớn để hấp thụ các sản phẩm mới”, ông Long nói.
Vì tính chất quan trọng như vậy, nên lãnh đạo UBCK cho biết, đến nay việc biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo đã hoàn tất. Mới đây, UBCK đã tổ chức khóa học “Chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh” dành cho đối tượng là các cán bộ chủ chốt, giảng viên kiêm chức và giảng viên tiềm năng. Trong quý III/2015, UBCK sẽ triển khai đào tạo về TTCK phái sinh cho rộng rãi các thành viên thị trường và các NĐT có nhu cầu.
Ngoài kênh đào tạo cấp chứng chỉ cho người hành nghề trên TTCK phái sinh, sắp tới, UBCK sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo để phổ biến thông tin, kiến thức về thị trường mới này. Trên cơ sở đó, NĐT sẽ tích cực, chủ động tham gia TTCK phái sinh.
Ông Long cho biết thêm, việc đào tạo, thiết kế sản phẩm chứng khoán phái sinh đang hướng tới đáp ứng nhu cầu của cả NĐT tổ chức và cá nhân. Với định hướng này, việc xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP về TTCK phái sinh đang được UBCK triển khai khẩn trương theo hướng quy định chi tiết 2 sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ được triển khai là: hợp đồng tương lai chỉ số, phục vụ cho NĐT phòng ngừa rủi ro đối với danh mục cổ phiếu; hợp đồng tương lai trái phiếu, giúp NĐT, đặc biệt là các NĐT tổ chức phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu.
“Nếu như TTCK cơ sở giúp NĐT tìm kiếm lợi nhuận, thì với chức năng chính là phòng ngừa rủi ro, TTCK phái sinh chủ yếu sẽ hỗ trợ NĐT bảo vệ khoản lợi nhuận kiếm được. Bởi vậy, triển khai TTCK phái sinh không chỉ giúp NĐT giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư, mà còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK”, ông Long nói.