Quỹ Vietnam Holding (VNH) đã sử dụng chiến lược đầu tư gì để đạt tăng trưởng lên đến hơn 40% - gấp đôi mức tăng của VN-Index, trong năm 2013, thưa ông?
Từ quý IV/2012, đội ngũ đầu tư của chúng tôi đã bắt đầu quan sát thấy khoảng cách giá trị ngày càng lớn giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành cân bằng danh mục đầu tư của mình. Cho đến thời điểm hiện tại, trong danh mục đầu tư của Quỹ, tỷ trọng cổ phiếu có giá trị vốn hóa vừa đã lớn hơn cả trước kia.
Nhân tố đóng góp vào sự thành công của VNH trong năm 2013 chính là cách tiếp cận đầu tư riêng biệt của chúng tôi so với các quỹ tương đương khác. Chúng tôi vừa là một nhà đầu tư giá trị, lại vừa là một nhà đầu tư bền vững. Vì sao lại nói như vậy? Bởi là nhà đầu tư giá trị, chúng tôi có cách nhìn dài hạn và tìm kiếm những cơ hội đầu tư bị định giá thấp. Còn nói chúng tôi là nhà đầu tư bền vững là bởi ngoài tình hình tài chính và giá của công ty, chúng tôi còn đánh giá cả tiêu chuẩn ESG (bao gồm hoạt động môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp) của doanh nghiệp.
Theo ông, sang năm 2014, cơ hội của TTCK Việt Nam là gì?
Điều thúc đẩy hoặc kìm hãm kết quả của một TTCK chính là sự kết hợp giữa kinh tế vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty. Cả hai yếu tố này tại Việt Nam, theo đánh giá của chúng tôi, đều tốt về mặt số liệu và có triển vọng sẽ tiếp tục tốt hơn trong năm 2014. Thêm vào đó, giá trị thị trường hiện nay đang ở mức hợp lý, P/E của VN-Index tính đến thời điểm kết thúc năm 2013 là 12,5 lần. Điều đó cho thấy, phần lớn các công ty niêm yết vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Một yếu tố cần lưu ý nữa là dòng tiền đầu tư ngoại. Tại Việt Nam và các TTCK mới nổi châu Á, dòng tiền đầu tư nội trong năm qua đã đi theo hướng của các dòng tiền đầu tư ngoại lớn. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2013, TTCK Việt Nam có mức tăng trưởng tốt hơn phần lớn các thị trường tương đương trong khu vực. Từ góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho đây là dấu hiệu rất tốt để đầu tư.
Vậy còn thách thức đối với TTCK Việt Nam trong năm nay là gì?
Tôi đã đề cập đến những yếu tố giá trị rất tích cực ở trên. Nhưng chỉ dựa vào những yếu tố này thì chưa đủ để đảm bảo một thị trường tích cực cho cả năm 2014. Tình hình thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có môi trường đầu tư toàn cầu. Ở châu Á, giá của thị trường Trung Quốc vẫn thấp, do nhà đầu tư chưa chắc chắc về việc liệu Trung Quốc có thể đạt được các mục tiêu kinh tế của mình hay không? Sự hồi phục của châu Âu cũng là một yếu tố quan trọng. Còn kinh tế Mỹ, hiện nay có vẻ đang ngày càng chắc chắn hơn.
Bên cạnh các yếu tố kinh tế thế giới này, rủi ro nội tại lớn nhất của thị trường Việt Nam là rủi ro xảy ra biến cố lớn về kinh tế, chính trị hoặc rủi ro đổ vỡ một công ty niêm yết lớn. Tuy nhiên, những rủi ro này khó có khả năng xảy ra.
Ông có nghĩ rằng, kết quả năm 2013 của VNH sẽ có khả năng được lặp lại trong năm 2014?
Tôi cũng hy vọng VNH sẽ đạt kết quả tốt hơn trong năm 2014. Nhưng suy cho cùng, điều đó còn phụ thuộc vào thị trường. Những gì chúng tôi có thể làm là đạt kết quả cao tương đối so với thị trường nói chung và so với những quỹ tương đương khác.
Xét về tăng trưởng tuyệt đối, lần đạt kết quả tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) cao nhất của VNH là hồi năm 2009, khi NAV/chứng chỉ quỹ của VNH tăng 58,89%, trong bối cảnh VN-Index tăng 48,39%. Năm 2013, VNH đạt mức tăng trưởng 40,8% và đã vượt VN-Index tới 20,3 điểm phần trăm - mức vượt kỷ lục của Quỹ. Cũng trong năm qua, phần lớn các quỹ tương đương VNH đều có mức tăng trưởng vượt xa VN-Index (như PXP Vietnam Fund của PXP Asset Management). Theo tính toán của VNH, tăng trưởng tổng tài sản trong năm 2013 của 6 quỹ đầu tư vào Việt Nam lớn nhất đã vượt mức tăng của VN-Index 7,6% - đây là mức vượt cao nhất trong 5 năm qua (không tính năm 2011 khi thị trường giảm mạnh tới 32,8% và các quỹ lớn nhất giảm 19,7%). |