Tsuneo Murata, “người hùng thầm lặng” phía sau Sony, Apple

(ĐTCK) Không được nhiều người biết đến như Sony, Apple…, nhưng Murata Manufacturing, tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử được ví là “người hùng thầm lặng” đứng sau sự thành công của các sản phẩm điện tử của những hãng này.
Tsuneo Murata Tsuneo Murata

Kế thừa chiếc ghế Chủ tịch Tập đoàn từ cha và anh trai, Tsuneo Murata đưa Murata Manufacturing ngày một lớn mạnh, với 35% thị phần linh kiện điện tử toàn cầu.

Cả Murata và Sony đều là biểu tượng cho sự vươn lên của đất nước Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến. Thành lập năm 1944, Murata hiện là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo với giá trị vốn hóa lên tới 24 tỷ USD.  

Phát minh nổi tiếng nhất của Murata có lẽ là các robot nhỏ, như robot đi xe đạp Murata Boy hay robot đi xe đạp một bánh Murata Girl. Các kỹ sư của Murata đã phát triển loại robot này nhằm thu hút sự chú ý của công chúng và thể hiện sự tinh tế trong các sản phẩm của mình. Phiên bản mới nhất là bộ 10 robot cổ vũ cỡ nhỏ, có khả năng giữ thăng bằng trên những quả bóng để di chuyển và nhảy. Chúng được chế tạo nhân dịp Tập đoàn kỷ niệm 70 năm thành lập vào năm 2014 và sự kiện Mutara chính thức “lấn sân” sang sản xuất các linh kiện trong lĩnh vực chế tạo ô tô và chăm sóc sức khỏe.

Nhân viên Murata kể, thỉnh thoảng, họ bắt gặp một người đàn ông trầm mặc ngồi ăn bữa trưa giá 3 USD giống như họ tại quán café văn phòng. Đó chính là Tsuneo Murata, Chủ tịch đương nhiệm của Tập đoàn Murata và là con trai thứ ba của nhà sáng lập Akira Murata. Trong gần nửa thế kỷ, Akira Murata đã đưa Murata Manufacturing từ một công ty gia đình thành một tập đoàn toàn cầu, mà thị trường nước ngoài chiếm tới 90% doanh số. Chiến lược của ông là tạo ra những sản phẩm sáng tạo mà không ai có thể sao chép một cách dễ dàng.

Anh cả Yasutaka Murata trở thành thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn năm 32 tuổi và giữ chức Chủ tịch năm 44 tuổi. Ông Tsuneo Murata nói: “Là con út trong gia đình, tôi thực sự thấy thoải mái và không cảm thấy nhiều áp lực”. Năm 2007, ông tiếp quản cương vị Chủ tịch Murata từ người anh cả Yasutaka, người đã giữ vị trí này trong suốt 16 năm. Trong khi đó, người anh thứ hai Masayuki rời Tập đoàn năm 2000 để mở một bảo tàng nghệ thuật tại Kyoto.

Murata Manufacturing hiện là nhà cung cấp tụ điện lớn nhất thế giới cho các khách hàng đình đám như Apple, Samsung, Sony, Xiaomi hay Huawei, đồng thời chiếm tới 35% thị phần toàn cầu.

“Chúng tôi coi trọng giá trị công nghệ và đó là cách mà chúng tôi khao khát đóng góp cho xã hội. Nhu cầu linh kiện điện tử của chúng tôi còn tiếp tục tăng, chừng nào các nhà sản xuất còn chế tạo các thiết bị cầm tay” Murata nói.

Trước khi về làm việc tại tập đoàn của gia đình, Tsuneo Murata có 15 năm làm việc cho các công ty lớn trong lĩnh vực chế tạo linh kiện điện tử tại Mỹ và Đức và những kinh nghiệm này đã giúp ích cho ông rất nhiều trong quản lý từ vị trí lãnh đạo cấp cơ sở cho đến Chủ tịch Tập đoàn sau này. “Điều quan trọng là tôi có thể trải nghiệm monozukuri, tức nghệ thuật chế tạo”, ông Murata nói.       

Tsuneo đến thăm khoảng 20 nhà máy của Tập đoàn trên toàn cầu mỗi năm và hiếm khi bỏ lỡ các sự kiện thường niên, nhất là những cuộc thi sáng tạo, cải tiến sản phẩm của Tập đoàn. Dù là người thận trọng trong lời ăn tiếng nói, song ông thường đưa ra các quyết định kinh doanh rất nhanh chóng.

“Công nghệ điện tử thay đổi liên tục, sẽ quá muộn nếu các cấp dưới thực hiện quy trình tham vấn ý kiến lãnh đạo cao nhất về việc liệu quyết định đó có đúng đắn hay không. Quyết định và hành động kịp thời là tối quan trọng, đặc biệt là trong phân khúc thị trường điện thoại thông minh. Tôi muốn mỗi nhân viên của mình vận dụng chủ động những kỹ năng mà họ có”.

Nhận xét về đối thủ Tsuneo Murata và cũng là bạn của mình, Chủ tịch Tập đoàn Nippon Chemi-Con, Ikuo Uchiyama nhận định: “Tsuneo Murata lắng nghe một cách thận trọng ý kiến của mọi người và đó là lý do Tập đoàn Murata sở hữu văn hóa mở. Tsuneo có tính cách ôn hòa, song ông luôn có cái nhìn hướng về tương lai và táo bạo trong việc thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập”. 

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục