Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, tập đoàn mới (hình thành từ việc sáp nhập này) sẽ có doanh thu 51,8 tỷ USD (số liệu năm 2013) vượt Tập đoàn Schlumberger NV (có doanh thu năm 2013 là 45,3 tỷ USD), trở thành tập đoàn số 1 thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ liên quan đến dầu khí. Tuy nhiên, tập đoàn mới này chỉ là số 1 thế giới (xét riêng về doanh thu), còn nếu xét về giá trị vốn hoá thị trường thì Schlumberger vẫn đứng đầu bảng, với 122,6 tỷ USD vào thời điểm hiện tại, cao gấp gần 2 lần so với cổ phiếu của tập đoàn mới.
Được biết, đây là vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất ở Mỹ trong lĩnh vực năng lượng trong vòng 3 năm trở lại đây. Sau khi hoàn tất, các cổ đông của Baker Hughes chỉ sở hữu 36% cổ phần của Tập đoàn mới, trong khi cổ đông hiện hữu của Halliburton sẽ nắm 64% cổ phần còn lại.
Theo nhiều nhà phân tích, vụ M&A trên là logic và hợp lý xét trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, từ tháng 6/2014 đến nay, giá dầu thô trên thế giới đã giảm khoảng 30% và đương nhiên các dịch vụ đi kèm cũng phải giảm theo. Cả Baker Hughes lẫn Halliburton đều nhận được ít hợp đồng hơn so với mọi năm, do đó, doanh thu cũng giảm đáng kể. Hơn thế nữa, giá cổ phiếu của Baker Hughes và Halliburton đều giảm mạnh. Cụ thể, từ tháng 6 đến nay, giá cổ phiếu của Baker Hughes giảm 32% khiến tài sản bị “bốc hơi” tới 10,4 tỷ USD.
Thứ hai, hai tập đoàn cùng có trụ sở chính tại Houston (bang Texas - Mỹ) và có 7 lĩnh vực trùng lắp nhau, nên theo tính toán sơ bộ, khi về chung một mái nhà, sau khi tinh giản biên chế…, tập đoàn mới sẽ tiết kiệm tới 2 tỷ USD mỗi năm.
Ông Fadel Gheit, chuyên gia phân tích của Công ty Oppenheimer nhận xét: “Giá dầu thô hạ luôn tạo cơ hội để các công ty dầu khí, cung cấp dịch vụ liên quan đến dầu khí có động thái M&A một cách hợp lý để tồn tại và phát triển”.
Sau khi thông tin về vụ M&A trên được công bố, tại Sở GDCK New York (Mỹ), giá cổ phiếu của Baker Hughes tăng gần 11%, lên 66,44 USD/cổ phiếu (song vẫn thấp hơn nhiều so với giá Halliburton chào mua là 80,69 USD/cổ phiếu); trong khi giá cổ phiếu của Halliburton giảm 8%, xuống còn 50,60 USD/cổ phiếu.
Bình thường ra thì vụ M&A này cũng khó gây được quá nhiều sự chú ý với báo giới cũng như giới đầu tư dầu khí, nếu không có chuyện ngoài lề dễ gây “sốc” với không ít đối tượng, nhất là những người trong cuộc.
Chuyện là, lãnh đạo 2 tập đoàn này đã đàm phán về vụ M&A trong gần 2 tháng qua. Về cơ bản, hai bên đã “gặp nhau”, duy chỉ có vấn đề tiền bạc là chưa thống nhất. Trong khi lãnh đạo Halliburton chốt ở con số 35 tỷ USD, cho đây là giá chào mua cuối cùng và khẳng định sẽ không tăng một xu, thì phía Baker Hughes lại tiếp tục “làm mình làm mẩy” đòi tăng tiếp.
Đầu tuần qua, đứng trước nguy cơ thương vụ này có thể đổ vỡ, lãnh đạo Halliburton đã bắn tin và được nhiều tờ báo giấy, báo mạng đăng tải là Halliburton dọa sẽ “tác động” các cổ đông lớn của Baker Hughes để thay toàn bộ ban lãnh đạo, nếu như các vị này tiếp tục “không biết điều”.
Động thái trên vừa mang ý nghĩa đe doạ, vừa thể hiện Halliburton đang ở thế thượng phong. Có thể chiêu “chơi rắn” này đã có tác dụng, khi cuối tuần qua, hai bên đã ngồi lại với nhau lần cuối và kết quả như đã biết ở trên.
Dù mọi việc cuối cùng đều kết thúc khá êm đẹp, song cách hành xử của lãnh đạo Halliburton, cụ thể là ông Dave Lesar, 60 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) được đánh giá chưa đẹp, chưa Fair play. Có thông tin nói rằng, ngay tại đại hội đồng cổ đông của Baker Hughes vào tháng 4 năm nay, ông Dave Lesar đã chỉ đạo cho quân của mình tìm cách “chọc ngoáy” nội bộ Baker Hughes và có biểu hiện “lobby”, chèo kéo các cổ đông lớn.
Ngoài ra, ông Dave Lesar cũng đã có các cuộc gặp gỡ với Bộ Tư pháp Mỹ và dường như Bộ này đã “bật đèn xanh” cho thương vụ về mặt pháp lý ở Mỹ. Có một chi tiết khá thú vị ở đây là, người tiền nhiệm của ông Dave Lesar ở Halliburton chính là ông Dick Cheney, cựu Phó tổng thống Mỹ 2 nhiệm kỳ (từ năm 2000 đến 2008).
Năm 2000, ông Dick Cheney đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush chọn làm Phó tổng thống. Ngay sau đó, ông Dave Lesar đã được bổ nhiệm làm CEO và Chủ tịch từ đó đến nay. Phương Tây có câu ngạn ngữ là “mục đích biện minh cho phương tiện”. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp này, khi mà lãnh đạo Halliburton đã công khai thực hiện.