TS. Trần Hoàng Ngân: Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là một thử thách cho Chính phủ nhiệm kỳ mới

TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, với tăng trưởng GDP quý I/2016 chỉ 5,46%, thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay sẽ là một “thử thách cho Chính phủ nhiệm kỳ mới”.
TS. Trần Hoàng Ngân: Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là một thử thách cho Chính phủ nhiệm kỳ mới

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay, TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM mặc dù đánh giá cao sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 5 năm qua, cũng như những cải thiện trong cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, có tới 3 năm xuất siêu, song cũng đồng tình với Chính phủ khi đã thẳng thắn nhìn thấy 9 điểm yếu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, TS. Trần Hoàng Ngân đã nhấn mạnh tới 3 tồn tại của nền kinh tế. Đó là nợ Chính phủ đã lên tới 50,3%, vượt trần cho phép.

“Tôi cho rằng Chính phủ phải lý giải rõ vì sao nợ Chính phủ đã vượt trần”, TS. Trần Hoàng Ngân nói và cho rằng, cũng cần quan tâm tới tồn tại thứ hai của nền kinh tế là hiệu quả trong quản lý nhà nước về xã hội, tài nguyên, môi trường, quy hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, tồn tại, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Điểm yếu thứ ba, theo TS. Trần Hoàng Ngân là số lượng doanh nghiệp trong nước giải thể, ngừng hoạt động ngày càng tăng, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng gia tăng không ít. Cụ thể, năm 2010, chỉ có 40.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thì đến cuối 2015 có trên 70.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.

“Tôi đồng tình với các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, nhưng tôi cho rằng, Chính phủ cần đặt các giải pháp này trong hai bối cảnh, đó là nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt”, TS. Trần Hoàng Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 lên tới 328 tỷ USD, bằng 170% GDP, do vậy rất dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế thế giới.

“Năm 2015 là 3 tháng đầu năm 2016, kinh tế thế giới tiếp tục biến động khó lường, đặc biệt là ở khu vực EURO, Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, kinh tế Trung Quốc thì suy giảm. Bối cảnh đó, cộng với biến đổi khí hậu gay gắt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam”, TS. Trần Hoàng Ngân nhận định.

Dẫn câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn ở phía Nam, mưa rét khắc nghiệt ở phía Bắc trong những tháng đầu năm 2016, TS. Trần Hoàng Ngân lý giải vì sao trong quý I/2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,25%) so với cùng kỳ, khiến tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,46%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,12%).

“Nhấn mạnh điều này để thấy rằng, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 là là một thử thách cho Chính phủ nhiệm kỳ mới”, TS. Trần Hoàng Ngân nhận định và cho rằng, Chính phủ cần kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, lạm phát năm nay đang tăng trở lại và có thể tăng cao trong thời gian tới, vì vậy, cần điều hành thận trọng giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước, tránh điều chỉnh dồn dập sẽ tác động tới lạm phát.

“Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài cần tiếp tục giám sát thận trọng, kết hợp với chính sách tài khóa thắt chặt, kéo bội chi ngân sách về dưới 4% GDP. Tôi cũng đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các khoản vay ODA, chỉ ưu tiên cho các dự án cấp thiết chứ không phải cần thiết”, TS. Trần Hoàng Ngân bày tỏ quan điểm.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục