TS. Trần Đình Thiên: Việt Nam là ngôi sao ngược gió, nên cần giải pháp bất thường

0:00 / 0:00
0:00
Bàn tới những nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam, PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng, không có gì thừa khi khẳng định lại, bảo đảm các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
TS. Trần Đình Thiên: Việt Nam là ngôi sao ngược gió, nên cần giải pháp bất thường

“Việt Nam là ngôi sao ngược gió”, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói khi trình chiếu số liệu kinh tế Việt Nam năm 2022. Ông là chuyên gia phát biểu đầu tiên của Phiên thảo luận chuyên đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó".

Phiên thảo luận chuyên đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó"

Phiên thảo luận chuyên đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó"

“Sự khác biệt này vừa tốt, nhưng cũng có vấn đề, nên cần nhìn ra, thì mới có được những giải pháp khác thường”, TS. Thiên lý giải.

Mặt tích cực, đó là giữ mạch thông với thế giới, tăng trưởng ấn tượng, tới 8,02%, cao nhất trong 12 năm (2011-2022). Sự khác biệt cũng xuất hiện ngay trong năm này, đó là tăng trưởng cao, lạm phát thấp.

“Đây là nghịch lý đầu tiên, cần phải giải mã. Chính sự “khô hạn vốn” của nền kinh tế, của khu vực nội địa do sự khác biệt này chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo". Theo TS. Thiên, tăng trưởng GDP cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì suốt mấy năm qua, trong tình trạng doanh nghiệp Việt Nam“bị khát vốn” cao độ, gây tác động tiêu cực không nhỏ đến nỗ lực tăng trưởng.

Nhìn dài hạn hơn, TS. Thiên nhận diện thêm nghịch lý cần phải nghiên cứu thấu đáo. Như, nền kinh tế được cho là tốt, nhưng động lực tăng trưởng suy giảm và kéo dài. Cứ 10-12 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giảm đi 1%.

“Chúng ta đã không làm được yêu cầu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Theo tôi, nguyên nhân là do động lực bên trong có vấn đề. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, nhưng báo cáo các đồng chí lãnh đạo, cần phải nghiên cứu thấu đáo nguyên nhân này”, TS. Thiên gửi kiến nghị trực tiếp tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đang có mặt tại Diễn đàn.

Nghịch lý còn được nhìn thấy ở khả năng chống chịu vô địch của doanh nghiệp Việt Nam, môi trường hoạt động khó đến thế, mà vẫn tồn tại. Ông Thiên lo ngại, tuổi thọ doanh nghiệp thấp, dù chưa có nghiên cứu nào kỹ càng, nhưng có thể thấp hơn bình quân của thế giới.

“Tuổi thọ của doanh nghiệp là phần quan trọng quyết định sức mạnh nội sinh của nền kinh tế và đây là vấn đề cốt tử cần phải giải quyết”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Thiên tiếp tục lo ngại tình trạng “đầu tàu chạy chậm hơn toa tàu” khi nhắc đến TP.HCM.

“Để nền kinh tế phát triển, không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành”, TS. Thiên khuyến nghị.

Cụ thể, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh các điều kiện.

Một là, hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Ba là, bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống. Nghĩa là, thông suốt hạ tầng (thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm); thông thoáng cơ chế [thể chế thị trường, công khai – minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh…) và thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo…).

"Không có gì thừa khi khẳng định lại: bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp", TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục