IMF: Chính sách tài khóa của Việt Nam nên đi đầu trong hỗ trợ nền kinh tế và các đối tượng nghèo, dễ bị tổn thương nhất

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ông Paulo Medas, dẫn đầu đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có bài báo cáo kết thúc cuộc thảo luận trong khuôn khổ đợt tham vấn Điều khoản IV năm 2023 với Việt Nam trong thời gian từ ngày 14 - 29/6.

IMF: Chính sách tài khóa của Việt Nam nên đi đầu trong hỗ trợ nền kinh tế và các đối tượng nghèo, dễ bị tổn thương nhất

Theo ông Paulo Medas, Việt Nam đã có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch trong năm 2022. GDP tăng 8%, là mức cao trong lịch sử nhờ cầu trong và ngoài nước mạnh mẽ. Lạm phát trung bình được kiềm chế ở mức 3,2 phần trăm, mặc dù áp lực giá cả vẫn tăng đều đặn trong năm.

Sự phục hồi đã bị gián đoạn bởi những cơn gió ngược mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. Áp lực tỷ giá hối đoái gia tăng trong suốt năm 2022 khi lãi suất toàn cầu tăng mạnh. Một ngân hàng lớn trong nước đã bị rút tiền gửi ồ ạt và phải đặt dưới sự kiểm soát của NHNN. Căng thẳng tài chính của các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đặc biệt là những công ty có đòn bẩy cao đã xuất hiện và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn do cầu bên ngoài giảm mạnh kể từ cuối năm 2022, với xuất khẩu giảm 12% trong 5 tháng đầu năm 2023. Gần đây, áp lực thanh khoản và lạm phát đã giảm bớt, nhưng tăng trưởng đã chậm lại đáng kể trong nửa đầu năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của NHNN. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.

Trong ngắn hạn, rủi ro đối với tăng trưởng vẫn lớn. Tăng trưởng có thể không được như kỳ vọng nếu cầu bên ngoài vẫn tiếp tục yếu hoặc đầu tư vẫn kém. Các vấn đề đang diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản ngày càng sâu sắc, cùng với nợ xấu gia tăng có thể gây tổn hại đến khả năng hỗ trợ tăng trưởng của các ngân hàng.

Cũng theo bài báo cáo của ông Paulo Medas, các biện pháp mà NHNN và chính phủ đã triển khai giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược, song nỗ lực hơn nữa để bảo đảm sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô cũng như đẩy nhanh các cải cách có thể sẽ bảo đảm rằng nền kinh tế vẫn đang dựa trên một nền tảng vững chãi. Sự phối hợp các chính sách cần được điều chỉnh cân bằng lại với trọng tâm lớn hơn vào hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

NHNN đã có thể kiểm soát cả áp lực về giá cả và thanh khoản trong một môi trường đầy thách thức. Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và các nỗ lực tiếp tục hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ có thể sẽ mang lại các lợi ích đáng kể. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này có thể sẽ kém hiệu quả hơn và tạo thêm rủi ro vì lãi suất trên toàn cầu chắc sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài và các ngân hàng tại Việt nam đang phải đối mặt với các khoản nợ xấu ngày càng tăng và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi cao.

Trong bối cảnh này, chính sách tài khóa nên đi đầu trong hỗ trợ nền kinh tế và các đối tượng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt khi chính phủ vẫn còn dư địa tài khóa. Việc tăng chi ngân sách theo kế hoạch (tăng tiền lương và đầu tư công) và cắt giảm các loại thuế sẽ giúp thúc đẩy cầu trong nước. Tuy nhiên, một số biện pháp giảm thuế mang tính lũy thoái và có tác động tiêu cực đến khí hậu (ví dụ, lệ phí đăng ký trước bạ cho xe ô tô).

Thay vào đó, do thuế ở Việt Nam tương đối thấp, các cơ quan chức năng có thể cân nhắc tăng chi ngân sách cho nâng cấp cơ sở hạ tầng, củng cố mạng lưới an sinh xã hội và các nhu cầu xã hội khác. Cần cân nhắc hỗ trợ tài khóa hơn nữa, đặc biệt khi sự phục hồi kinh tế không được như kỳ vọng.

Môi trường kinh tế đầy thách thức hiện nay và nợ xấu ngày càng gia tăng đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng một kế hoạch hành động để bảo vệ sự ổn định tài chính và đẩy nhanh những cải cách cần thiết. Ông Paulo Medas cho rằng, kế hoạch này có thể gồm cả tăng cường khuôn khổ quản lý khủng hoảng ngân hàng và cải thiện các quy định và giám sát ngân hàng. Các cơ quan chức năng nên tận dụng việc sửa đổi Luật Các Tổ chức Tín dụng đang diễn ra để xây dựng các khuôn khổ pháp lý hiệu quả hơn về xử lý ngân hàng và thanh khoản khẩn cấp.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo có những hành động quyết liệt để tái cấu trúc thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn, và giờ đây cần đặt ưu tiên cho việc có thêm biện pháp mang tính cơ cấu.

Đặc biệt là các cơ quan chức năng nên xử lý các nút thắt về pháp lý đang cản trở việc hoàn thành các dự án bất động sản, tăng cường quy định và quản trị thị trường trái phiếu doanh nghiệp, và cải thiện khuôn khổ pháp lý về cưỡng chế nợ và xử lý mất khả năng thanh toán.

“Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về phát triển và khí hậu của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải đẩy mạnh các cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng trọng yếu và đầu tư vào giáo dục. Việc tăng chi ngân sách cho an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng, gồm cả đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam sẽ cần phải có các nỗ lực huy động thu ngân sách. Những kế hoạch mới của các cơ quan chức năng về năng lượng và khí hậu là một bước tiến quan trọng, và ưu tiên hiện nay nên đặt vào việc triển khai các hành động cụ thể.

Việt Nam đã có những nỗ lực mạnh mẽ trong phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây, chúng tôi sẽ rất hoan nghênh các nỗ lực tiếp tục để cải thiện quản trị và môi trường kinh doanh. Khuôn khổ pháp lý về Chống Rửa tiền/Tài trợ Khủng bố cần được tăng cường. Các nỗ lực thu hẹp những thiếu hụt, khác biệt về dữ liệu, gồm cả số liệu về tài khóa và các tài khoản kinh tế đối ngoại có thể giúp cải thiện việc hoạch định chính sách và tạo ra những lợi ích kinh tế lớn hơn", ông Paulo Medas đã nhấn mạnh.

Theo Điều khoản IV Điều lệ của IMF, IMF tiến hành các thảo luận song phương với quốc gia thành viên, thường theo định kỳ hàng năm.

Trong đợt công tác này, đoàn cán bộ Quỹ đã thực hiện các cuộc làm việc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp với các đối tác, thu thập thông tin kinh tế, tài chính, và thảo luận với cán bộ của các cơ quan chức năng về các chính sách và diễn biến kinh tế của quốc gia.

Sau chuyến làm việc này, các cán bộ của Quỹ sẽ viết một báo cáo để làm cơ sở thảo luận cho Ban Giám đốc Điều hành của IMF.

Năm nay, Đoàn đã gặp gỡ và thảo luận với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội, và một số cơ quan nhà nước khác. Đoàn cũng đã gặp và làm việc với đại diện từ khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu chính sách, các học giả và các bên đối tác khác.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục