TS. Trần Đình Thiên: Thị trường chứng khoán 2015 sẽ được tiếp sức

(ĐTCK) “Với nhiều thông điệp chính sách, cũng như những hành động cụ thể mà Chính phủ đang triển khai, năm 2015 được xem là năm tiếp sức cho DN. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK trong năm 2015…”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận.
TS. Trần Đình Thiên TS. Trần Đình Thiên

Diễn biến kinh tế năm 2015, theo ông có những điểm gì đáng chú ý?

Trên nền những thành quả đạt được của kinh tế năm 2014, nhất là tăng trưởng GDP có bước tiến tích cực, lạm phát ở mức thấp, cùng với những định hướng điều hành của Chính phủ trong năm nay, nền kinh tế đang có những bước khởi động theo chiều hướng tích cực trong năm 2015.

Trong năm nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những bước hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và trên thế giới, nhất là tác động đa chiều từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu sớm kết thúc quá trình đàm phán và đi đến ký kết. Để tận dụng tối đa cơ hội từ quá trình hội nhập này mang lại, đồng thời giảm thiểu những tác động không thuận, nền kinh tế, cũng như cộng đồng DN cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, gia tăng “sức khỏe” cho chính mình. Đây là yếu tố cốt lõi để nâng cao sức đề kháng, cũng như năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và DN.

Cùng với đó, nếu quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt thêm những kết quả rõ nét hơn, thì sẽ góp phần giúp nền kinh tế trong năm 2015 khởi sắc hơn. Để tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả, cần thúc đẩy các nguyên tắc thị trường, tăng cường năng lực điều hành nền kinh tế của Nhà nước phù hợp với thị trường và phục vụ DN hiệu quả hơn.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang đạt được những kết quả rõ nét hơn 

Định hướng điều hành nền kinh tế năm 2015 của Chính phủ nhấn mạnh vào triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ DN làm ăn hiệu quả hơn. Theo ông, điều này sẽ hỗ trợ DN cải thiện sức khỏe trong năm 2015?

Với những thông điệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phát đi trong thời gian gần đây, cũng như những chuyển biến cụ thể được ghi nhận, có thể nhận thấy trong năm 2015, trọng tâm triển khai các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là cởi trói cho DN, với mục tiêu lớn là tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Để đạt mục tiêu trên, ngoài tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng giảm thiểu chi phí đầu vào cho DN, cần mở rộng thêm dư địa cho khu vực DN ngoài Nhà nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Về tổng thể, dựa trên cơ sở lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn của thế giới và của Việt Nam trong thời gian qua, chỉ nên sử dụng khu vực DNNN để thực hiện cung cấp một số ít loại hàng hoá, dịch vụ công đặc thù. Phải giảm số lượng DNNN cũng như tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế như là một điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện được các giải pháp cải thiện năng lực quản trị trong khu vực này.

Với các DNNN còn lại sau khi đã tinh giảm, xác định lại mục tiêu hoạt động, cần chuyển mạnh sang cơ chế quỹ quản lý vốn thay vì cơ chế chủ quản nhằm giải quyết triệt để các vấn đề về quyền tài sản và mối quan hệ uỷ thác - điều hành. Quá trình chuyển đổi DNNN phải gắn chặt với xác định các mục tiêu, lộ trình phù hợp, minh bạch và có tính giải trình đầy đủ, đồng thời không tách rời với duy trì và đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phù hợp...

Như phân tích của ông thì sức khỏe vĩ mô và DN đều có triển vọng tích cực trong năm nay, vậy dự báo TTCK của ông như thế nào?

Trong bối cảnh khá nhiều điều kiện đang hỗ trợ tích cực cho DN hoạt động thuận lợi như: mặt bằng lãi suất thấp; chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm, nhất là giá xăng dầu giảm rất mạnh…, cùng với Chính phủ dành trọng tâm triển khai các giải pháp để hỗ trợ DN phát triển trong năm 2015, các DN cần tích cực, chủ động tận dụng các cơ hội kinh doanh, để cải thiện hiệu quả. Các DN cần tích lũy nguồn lực để vừa đủ sức vượt qua những sóng gió trong ngắn hạn, vừa tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực mang lại hỗ trợ kép cho TTCK. Đó là vừa hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN - yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững của TTCK, vừa thu hút mạnh hơn các nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia TTCK.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục