Giống như kết quả “thua sốc” 2-4 của đội tuyển bóng đá Việt Nam trước đối thủ Malaysia trong trận bán kết lượt về của AFF Cup 2014, trái ngược hoàn toàn với những nhận định “chắc như đinh đóng cột” trước trận đấu về khả năng Việt Nam thắng hoặc chỉ thua sát nút, diễn biến kinh tế thế giới trong năm mới 2015 cũng có thể chứa đựng rất nhiều điều bất ngờ, thú vị.
Có nhiều yếu tố bất ổn, rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế toàn cầu, mà các chỉ số chứng khoán trên thế giới cũng như trong nước có thể chưa phản ánh hết vào giá chứng khoán. Người ta nói nhiều đến ảnh hưởng của giá dầu thô giảm, sự suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và khả năng tăng lãi suất đồng USD, thị trường có thể vẫn đang đánh giá thấp ảnh hưởng từ những sự kiện đó, những điều tưởng chừng đã được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu thế giới mấy tuần cuối năm 2014.
Trước tiên, rủi ro có thể đến từ việc người ta đang đánh giá thấp rủi ro khủng hoảng ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi. Trong báo cáo phân tích của một số tổ chức, có những lưu ý về những bong bóng kinh tế có thể đổ vỡ, cổ phiếu công nghệ, các trái phiếu rủi ro cao của Mỹ và tín dụng doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù các báo cáo này cho rằng, các bong bóng đó có thể chưa đến lúc vỡ, nhưng yếu tố bất ngờ có thể nằm trong chính sự chủ quan rằng các bong bóng đó còn lớn thêm được một thời gian nữa. Quan sát đồ thị mức tăng trưởng tín dụng ở các nước có mức tăng trưởng tín dụng trên mức trung bình của thế giới dưới đây, không khó để nhận ra những cái tên có tăng trưởng tín dụng trong Top 10 nước tăng trưởng tín dụng cao nhất là những nước đang có ít nhiều rắc rối nội tại và rủi ro tiềm ẩn.
Hiện Nga và Brazil là hai nền kinh tế đang được nhắc đến nhiều về những khó khăn nổi trội của họ và người ta có xu hướng quên đi nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở các thị trường mới nổi, vốn được nhắc đến nhiều vào thời điểm đầu năm 2014. Cho đến cuối năm 2014, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nguy cơ khủng hoảng ngân hàng có tính hệ thống tại những thị trường mới nổi (hệ quả của cái mà giới phân tích gọi là “bong bóng tín dụng” tại những thị trường này) đã giảm đi. Chẳng qua là nó bị che dưới cái bóng của khủng hoảng giá dầu và bất ổn của kinh tế Nga vào những ngày cuối năm.
Xu thế mất giá của đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, khả năng tăng lãi suất USD và khi các cổ phiếu ở các nền kinh tế châu Âu giảm về mức giá hấp dẫn, dòng vốn quốc tế có thể chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi nhanh hơn tưởng tượng của nhiều nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách. Động thái này có thể khiến cho những dòng vốn tín dụng đổ vào thị trường đầu cơ bị hãm phanh đột ngột. Khi đó, nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở các thị trường nổi sẽ trở lại thành tin nóng ở các mặt báo.
Điểm thứ hai có thể đến từ bất ngờ về giá dầu, giá hàng hóa và giá vàng. Sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và nhiều nhân tố khách quan khác khiến người ta bi quan về triển vọng giá hàng hóa và giá dầu. Đây là một điều hợp lý và nhiều nhà phân tích kỳ cựu đều cho rằng, giá dầu còn có thể giảm hơn nữa. Chẳng hạn, Anatole Kaletsky cho rằng, giá dầu trong thập niên tới sẽ dao động trong biên độ 20 - 50 USD/thùng. Trong khi đó, khi lạm phát được dự báo thấp ở nhiều nước và giá USD được dự đoán tiếp tục tăng, giá vàng không được nhiều người đoán là sẽ có nhiều triển vọng để tăng mạnh.
Tuy nhiên, thông thường, khi nhiều nhà đầu tư tương đối đồng thuận về một góc nhìn, người ta bắt đầu lơ là với rủi ro là góc nhìn được đồng thuận cao đó có thể sai. Sự tăng cao trở lại của giá dầu hay giá vàng trong bối cảnh đa số người đều nghĩ nó sẽ giảm hoặc không tăng nhiều sẽ là một bất ngờ thú vị và có thể làm đảo lộn các chính sách kinh tế và hiệu quả danh mục của nhà đầu tư. Khi đó, những hoạt động cắt lỗ và đóng trạng thái của các quỹ đầu tư đang đầu cơ vào xu thế giảm giá của vàng, dầu và giá hàng hóa có thể tạo ra những cú sốc tăng giá mạnh ngoài dự đoán của các hàng hóa này.
Đó là nói về yếu tố quốc tế. Về yếu tố trong nước, phần nhiều các dự báo kinh tế cho rằng, lạm phát tiếp tục thấp hoặc vừa phải và lãi suất có thể tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nếu giá hàng hóa và giá dầu tăng trở lại, tình thế có thể đảo ngược nhanh chóng. Mặt khác, cho dù giá hàng hóa và giá dầu tiếp tục giảm như dự đoán, lựa chọn chính sách cho năm tới cũng không dễ dàng.
Một phân tích gần đây của TS. Lương Văn Khôi ở Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, việc giá dầu giảm có thể gây tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách vài nghìn tỷ đồng và giải pháp tương ứng cho trường hợp này có thể là phải tăng thuế. Trong khi đó, nếu lạm phát tiếp tục thấp và giá dầu tiếp tục giảm, lãi suất có thể giảm thêm. Vấn đề là hai chính sách này có thể có hiệu quả khác nhau.
Trong khi tăng thuế nhiều khả năng sẽ tác động xấu tức thì tới hành vi tiêu dùng, hạ lãi suất không nhất định truyền động ngay đến hoạt động kinh tế, đặc biệt là nếu lãi suất cho vay và điều kiện cho vay chậm nới lỏng và nếu dòng vốn từ ngân hàng đổ vào những khu vực kinh tế kém hiệu quả, nhưng cần nhiều vốn. Nói cách khác, hạ lãi suất chưa chắc giúp gì cho khu vực kinh tế tư nhân đang đói vốn, trong khi lại tiếp tục nuôi dưỡng các tập đoàn lớn làm ăn không hiệu quả. Trong khi đó, việc tăng thuế sẽ có tác động xấu đến môi trường kinh doanh. Khó khăn trong lựa chọn chính sách của Chính phủ và tác động phức tạp của chính sách tăng thuế và hạ lãi suất (nếu được áp dụng) có thể gây ra sự hoài nghi trong cái nhìn của nhà đầu tư đối với triển vọng vĩ mô.
Quay trở lại với TTCK, ẩn số nằm ở chỗ việc lựa chọn cổ phiếu với tiềm năng tăng trưởng tốt và giá hợp lý đã không còn dễ dàng như hồi đầu năm 2014. Những đợt sụt giảm mạnh của TTCK cuối năm 2014 vẫn chưa đưa giá cổ phiếu tốt trở lại mặt bằng hấp dẫn, trong khi những thuận lợi như dòng tiền đầu tư chủ yếu là tiền tự có, hoặc điều kiện để vốn vay đổ vào chứng khoán đã không còn. Sự cộng hưởng của tình trạng TTCK ở giữa ngã ba đường như hiện tại với những bất ngờ có thể đến từ phía vĩ mô, ẩn số từ phía nợ xấu ngân hàng (vẫn còn nguyên tính bí ẩn sau nhiều năm “tích cực xử lý nợ xấu”) và dòng vốn quốc tế, ẩn số giá vàng và ngoại tệ khiến bài toán phân bổ vốn trong năm 2015 đang trở nên khó hơn đáng kể so với đầu năm 2014, thời điểm mà người ta tự tin là đã thực hiện những khoản đầu tư tốt với chi phí rẻ và sẽ dễ dàng hưởng lợi từ sự ổn định hơn của điều kiện kinh tế vĩ mô so với các năm trước đó.
Với một năm 2015 tiềm ẩn nhiều bất ngờ thú vị (tồn tại cả rủi ro giảm giá và tăng giá mạnh của nhiều tài sản đầu tư) thì việc lựa chọn một danh mục đầu tư cân bằng và đa dạng hơn so với năm 2014 (không chỉ giới hạn trong việc tăng đa dạng hóa danh mục chứng khoán mà còn bao gồm phân bổ cân bằng hơn giữa vốn đầu tư vào chứng khoán và các kênh đầu tư khác) là cần thiết với các nhà đầu tư, ít nhất là cho những tháng đầu năm. Đó chính là một cách thức tốt để đón trước những bất ngờ thú vị trong một năm khởi đầu với nhiều ẩn số như 2015.