TS. Nguyễn Trí Hiếu: Sức mạnh của bảo hiểm tiền gửi phản ánh sức mạnh hệ thống ngân hàng

(ĐTCK) “Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được hoàn thiện các chức năng và phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của mình, sức mạnh, uy tín của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ được nâng lên, giúp các nhà đầu tư an tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính”. 
TS. Nguyễn Trí Hiếu TS. Nguyễn Trí Hiếu

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng với ĐTCK. 

Ông đánh giá thế nào về quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong năm nay?

Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 3 ngân hàng yếu kém bằng  cách mua lại với giá “0 đồng”.

Có thể nói, hệ thống ngân hàng hiện nay đã lành mạnh hơn và là thành quả nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng thương mại vẫn phải tiếp tục quá trình tái cơ cấu về hai mặt.

Thứ nhất là phải “gọn” hơn nữa, vì số lượng ngân hàng thương mại hiện vẫn còn lớn so với tổng dân số hơn 90 triệu người nhưng chỉ tiếp cận tới 20-30% dân số và tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Theo tôi, số lượng ngân hàng cần rút gọn tới con số 15 là hợp lý.

Thứ hai, vấn đề làm trong sạch hệ thống ngân hàng cũng vô cùng cần thiết. Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại 3 ngân hàng với giá “0 đồng” đã cho thấy những điểm yếu mà ngành ngân hàng cần phải được cải cách, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại lớn.

Không những thế, hệ thống ngân hàng cũng cần phải áp dụng theo các thông lệ quốc tế như Basel 1, Basel 2 và trong tương lai là Basel 3. 

Vậy, kinh nghiệm quốc tế về việc bảo vệ người gửi tiền trong quá trình tái cơ cấu ra sao?

Tại quốc gia phát triển như Mỹ, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) bảo hiểm cho tất cả người gửi tiền tại ngân hàng với hạn mức lên tới 250.000 USD. FDIC tạo tâm lý an tâm cho người gửi tiền.

Do đó, người gửi tiền không ngại đến gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ, ngay cả khi ngân hàng đó mới được thành lập, chứ không chỉ tập trung vào các ngân hàng lớn.

Bên cạnh việc tạo ra sự an toàn cho người gửi tiền, FDIC còn đóng vai trò là cơ quan giám sát cùng với Ngân hàng dự trữ liên bang và các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác. 

Nhìn về Việt Nam, theo ông, cần phải làm gì để phát huy hơn nữa tính lan tỏa của chính sách bảo hiểm tiền gửi?

Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 quốc gia thành lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Những nước có hệ thống ngân hàng phát triển mạnh như Mỹ, Nhật… bảo hiểm tiền gửi được coi như công cụ đắc lực nhằm đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bảo hiểm tiền gửi là công cụ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng nhằm tăng trách nhiệm và duy trì sự ổn định của các TCTD, cũng như bảo đảm sự ổn định hệ thống tài chính của mỗi nước.

Tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức duy nhất thực hiện bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của người dân, nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Tổ chức tài chính nhà nước này cần phải có một nguồn vốn đủ mạnh, luôn luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu thực tế nhằm ổn định lòng tin và bảo vệ người gửi tiền hiệu quả.

BHTGVN đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, hạn mức bảo hiểm hiện nay vẫn còn thấp, cần điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình kinh tế.

Ngoài chức năng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi các TCTD bị đổ vỡ, cơ quan này nên được nâng cao quyền hạn và tham gia sâu hơn vào quá trình giám sát các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, cần có cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin một cách cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ giữa Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được hoàn thiện các chức năng và phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của mình, sức mạnh, uy tín của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ được nâng lên, giúp các nhà đầu tư an tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính. 

Với những chia sẻ trên, theo ông, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nên thực hiện những biện pháp gì để bảo vệ người gửi tiền ngày một hiệu quả hơn?

Một điều chúng ta có thể học tập từ FDIC là chương trình Đồng tiền thông minh (Money Smart). Đây là chương trình phổ biến kiến thức tài chính cho người dân từ những kiến thức rất cơ bản như cách sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các chính sách tiền gửi, bảo mật tài khoản tới những cấp độ cao hơn như quản lý đồng tiền. FDIC đưa chương trình này đến người dân thông qua các kênh như trường học, địa phương và thông qua hệ thống các ngân hàng và phương tiện thông tin, truyền thông.

Do vậy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng có thể tham khảo và xây dựng chương trình phổ biến kiến thức tài chính cơ bản như FDIC để truyền thông tới người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng điều kiện tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ ngân hàng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tích cực đổi mới hoạt động để ứng phó tốt với các diễn biến trong hoạt động ngân hàng. Điều này cũng thể hiện sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong khía cạnh đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Hà An thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục