TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cứu doanh nghiệp cần phải nhanh lên, vội vàng lên…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cứu doanh nghiệp bây giờ phải sử dụng cả chính sách tài khóa, nếu không thì mọi biện pháp sẽ “xôi hỏng bỏng không”.

Biên lãi ròng (NIM) cao được cho là lý do khiến các ngân hàng cần phải hạ thêm lãi suất cho vay. Ông có bình luận gì về việc này?

Lợi nhuận của các ngân hàng liên tục tăng cao ở mức 20%, 30% và thậm chí tới hơn 60% trong quý 2/2021 vừa qua cùng với tỷ lệ thu nhập lãi ròng (NIM - doanh thu từ lãi trừ đi chi phí cho vay chia lại cho tổng dư nợ, theo đó sẽ ra được tỷ lệ lợi nhuận từ cho vay trên dư nợ) cao, do vậy, không khó để giải thích lý do được viện dẫn đòi hỏi các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất sâu hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng được công bố, NIM trung bình trong quý 2/2021 của các ngân hàng vào khoảng 4,5% cho thấy các ngân hàng có thể giảm lãi suất 3-4% vẫn còn lãi. Với thông lệ NIM 3% nghĩa là mức chênh lệch tới 1,5% là con số rất lớn nhưng cần rất thận trọng bởi con số NIM 4,5% có thể là con số ảo. Không loại trừ khả năng NIM chưa tính đúng tính đủ mà được thổi phồng nên đối với người dân chỉ thấy NIM lớn như vậy và ngân hàng cần hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất.

Theo tính toán của tôi, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho khách hàng tương đương 30.000 tỷ đồng và đến cuối năm dự kiến 20.000 tỷ đồng, nghĩa là cả năm vào khoảng 50.000 tỷ đồng và chia lại cho NIM cho thấy, các ngân hàng hy sinh khoảng 15% tỷ lệ lợi nhuận ròng từ cho vay. Con số 15% là rất đáng kể, đặc biệt, nếu tính đúng tính đủ thậm chí có thể trên 15% bởi NIM thực tế của các ngân hàng nhiều khả năng thấp hơn 4,5%.

Lý do bởi, thứ nhất, nhiều khoản lãi dự thu thực tế sẽ không bao giờ thu được, món nợ đã mất vốn nhưng vẫn để trên sổ sách để làm đẹp, và từ đó làm tăng NIM. NIM thực tế là bao nhiêu chỉ có kiểm toán vào kiểm tra sổ sách mới biết chính xác.

Thứ hai, hiện nay NHNN cho phép các ngân hàng phân bổ chi phí dự phòng cho nhiều món nợ được giữ nguyên nhóm nợ mà không phải chuyển nhóm, với một lộ trình 3 năm chiết khấu dần dần mà không trích lập ngay trong năm 2021 và do đó tiết kiệm được chi phí dự phòng rủi ro cho năm 2021, đồng thời làm tăng lợi nhuận ròng cho ngân hàng.

Tôi ước tính, nếu tính đúng tính đủ thì NIM thực tế chỉ đạt khoảng trên dưới 2% và nếu mức giảm lãi suất của các ngân hàng khoảng 50.000 tỷ đồng thì thực tế là ngân hàng đã không còn lợi nhuận là bao nhiêu và rất khó để hạ lãi suất.

Các con số công bố kết quả kinh doanh “đồ sộ” không loại trừ khả năng để đẩy giá cổ phiếu ngân hàng, phần lớn lợi cho những người đầu tư (là chính các ông chủ ngân hàng và người thân) chứ không có lợi gì cho các ngân hàng.

Cũng trong mục tiêu để hạ lãi suất cho vay, theo ông, còn hướng nào từ thị trường và cơ quan quản lý?

Có một cách tính khác để xem có thể hạ lãi suất được không đó là tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất đầu ra và đầu vào, hiện nay khoảng 3-4%. Nghĩa là ngân hàng huy động với lãi suất khoảng 5%/năm và thì cho vay 9%/năm.

Với cách tính này thì nhiều người lên tiếng ngân hàng có thể giữ nguyên tỷ lệ chênh lệch này nhưng giảm cả lãi suất cho vay lẫn lãi suất huy động. Nhưng, tôi cho rằng phương án này khó bởi lãi suất huy động hiện đã rất thấp. Hạ lãi suất huy động nữa có thể khiến người gửi tiền tiếp tục rút tiền tại ngân hàng - vốn đang bị chững và giảm - chuyển sang đầu tư bất động sản và trái phiếu

Về phía chính sách tiền tệ, NHNN có 3 công cụ để điều chỉnh thị trường tiền tệ đó là lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm), giao dịch trên thị trường mở (OMO) và dự trữ bắt buộc.

Về lãi suất điều hành, nếu lãi suất điều hành giảm sẽ tác động đến thị trường liên ngân hàng và gián tiếp ảnh hưởng qua thị trường 1. Tuy nhiên, đây là tác động mang tính chất gián tiếp chứ không phải trực tiếp đến lãi suất cho vay trên thị trường 1, nên không hạ nhanh lãi suất cho vay trên thị trường 1 xuống được. Một yếu tố rất quan trọng đó là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện rất thấp, không còn nhiều dư địa nên lãi suất điều hành cũng không còn nhiều dư địa để hạ.

Còn giao dịch trên thị trường mở là hoạt động thường xuyên của NHNN để tăng hay hút cung tiền. Nhưng, hoạt động này cũng có những giới hạn vì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Cuối cùng là dự trữ bắt buộc, hiện dự trữ bắt buộc là 3%, rất thấp, không còn dư địa để giảm, vì giảm dự trữ bắt buộc sẽ tác động đến tính thanh khoản của các ngân hàng.

Nói tóm lại, chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp. Việc cứu doanh nghiệp bây giờ phải sử dụng cả chính sách tài khóa, có nghĩa là sử dụng ngân sách của Chính phủ, nếu không mọi biện pháp sẽ "xôi hỏng bỏng không" và việc triển khai cần phải nhanh lên, vội vàng lên…

Ông đã nhiều lần đề cập đến việc cứu doanh nghiệp hay giảm lãi suất giúp doanh nghiệp cần nguồn vốn và nguồn này phải đến từ Quỹ bảo lãnh tín dụng…

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa qua đề xuất một quỹ bảo lãnh tín dụng với khả năng bảo lãnh cho các ngân hàng lên đến khoảng 100.000 tỷ đồng. Theo tôi, đây là con đường duy nhất nhưng không đủ, bởi nhu cầu cho vay và được bảo lãnh rất lớn, theo đó, cần ít nhất 300.000 tỷ đồng. Quỹ bảo lãnh cho các ngân hàng để ngân hàng cho vay doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không trả được nợ, Quỹ sẽ trả nợ thay cho doanh nghiệp. Đây là một dạng bảo hiểm rủi ro cho ngân hàng.

Bên cạnh quỹ bảo lãnh tín dụng cũng cần phải xây dựng tổ hợp tín dụng để cho vay ra 300.000 tỷ đồng và được quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh. Với lượng bảo lãnh tín dụng lớn như thế, quỹ bảo lãnh tín dụng phải có một vốn điều lệ lên đến 30.000 tỷ đồng và được phép bảo lãnh 10 x vốn điều lệ.

Để xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng, Chính phủ có thể cân đối từ nguồn ngân sách hoặc một phần từ nguồn ngân sách, một phần kêu gọi các ngân hàng tham gia với tư cách thành viên hoặc kêu gọi góp vốn từ các tổ chức quốc tế để có thể tạo ra lượng vốn điều lệ lên đến 30.000 tỷ đồng.

Mục tiêu hướng tới là cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh vay với lãi suất khoảng 3 - 5% dưới hình thức tín chấp với độ rủi ro rất cao,và chính vì thế cần phải được bảo lãnh bởi quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục