Ông bình luận thế nào trước sự kiện 4 doanh nghiệp thép nội địa yêu cầu Bộ Công thương áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu?
Sự kiện trên cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu hiểu luật chơi và dám chơi theo đúng luật chơi của thị trường. Sau sự kiện này, các doanh nghiệp khác phải rút ra bài học kinh nghiệm là, nếu phát hiện ra loại hàng hoá nhập khẩu nào đó bán phá giá vào Việt Nam, cần phải cùng nhau điều tra, khảo sát cho đến khi có đầy đủ chứng cứ thì yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể ở đây là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đứng ra bảo vệ hợp pháp hàng hóa sản xuất trong nước.
Trong kinh doanh vừa phải cạnh tranh, vừa phải hợp tác, chứ nếu cứ mạnh ai nấy làm, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, thì sẽ bị mất thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Mình áp thuế nhập khẩu với bất cứ lý do gì, ông có sợ nước ngoài sẽ “trả đũa” bằng cách áp thuế nhập khẩu mặt hàng khác của Việt Nam với những lý do tương tự?
Theo nguyên tắc “có đi có lại”, khi nước này áp thuế hàng của nước khác thì nước bị áp thuế cũng tìm cách áp thuế mặt hàng nào đó để “trả đũa”, nhưng tất cả phải có chứng cứ rằng, bên kia đang bán phá giá, đang trợ cấp và không được vi phạm các quy định của WTO.
Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu gạo với giá 400 USD/tấn đã có lãi, nhưng với nhiều nước, giá gạo 900-1.000 USD/tấn mới hoà vốn, nhưng họ không thể áp thuế phòng vệ thương mại với mặt hàng gạo xuất khẩu của mình được.
Theo tôi, khi có đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng mặt hàng nhập khẩu nào đó đang bị bán phá giá, bán dưới giá thành sản xuất, thì doanh nghiệp “cùng hội, cùng thuyền” phải sát cánh bên nhau tiến hành ngay các thủ tục để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước áp thuế tự vệ, thậm chí là khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, chứ đừng ngồi một chỗ mà tưởng tượng ra rằng, nếu mình áp thuế mặt hàng này của họ thì họ sẽ trả đũa bằng cách áp thuế đối với mặt hàng khác của mình.
Từ khi gia nhập WTO đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam bị “dính” khoảng 100 vụ kiện tụng bán phá giá, trợ cấp, còn doanh nghiệp Việt Nam hành động tương tự với hàng nhập khẩu chắc đếm chưa hết đầu ngón tay. Vì sao vậy, thưa ông?
Các chính sách của Nhà nước cũng như các quy định của WTO không cấm doanh nghiệp yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước ra phán quyết áp thuế tự vệ mặt hàng nào đó, nếu có đủ cơ sở chứng minh hàng hoá nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp. Doanh nghiệp nội địa không chịu làm vì chưa hợp tác, liên kết với nhau, do đang từ sản xuất nhỏ, chưa quen với thị trường toàn cầu và cũng chưa hiểu luật chơi nên lo sợ.
Để theo đuổi các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải chi phí rất lớn cho điều tra, khảo sát, thuê luật sư. Ông có nghĩ rằng, do không có đủ tiền nên rất ít doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi các vụ kiện này?
Doanh nghiệp Việt Nam bán tôm vào thị trường Mỹ, nơi người dân có thu nhập 47.000 USD/năm chắc chắn giá bán phải cao hơn rất nhiều lần giá tôm bán ở thị trường trong nước, nơi người dân mới có thu nhập khoảng 2.100 USD/năm.
Như vậy, giá tôm bán vào Mỹ đã có khoản chi phí cho điều tra, khảo sát, thuê luật sư để bảo vệ hợp pháp hàng hóa, thì doanh nghiệp phải bỏ chi phí để làm việc này, chứ đừng kêu là do chi phí đắt, nên không theo đuổi các vụ kiện khi bị áp thuế phòng vệ thương mại, nếu có đủ cơ sở mình không hề vi phạm các quy định WTO.
Tôi cũng nói thêm rằng, Nhà nước không hề cấm doanh nghiệp chi phí, hợp tác với nhau để điều tra, khảo sát, nếu thấy mặt hàng nào đó nhập khẩu vào nội địa vi phạm quy định của WTO cũng như theo đuổi các vụ kiện mà thấy mình bị “ép”.
Sự kiện 4 doanh nghiệp yêu cầu Bộ Công thương áp thuế tự vệ kể trên cho thấy, khi gặp “hoạn nạn”, doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau. Nhưng đáng tiếc là sau khi thông tin áp thuế tự vệ được công bố thì doanh nghiệp lại đua nhau tăng giá thép?
Đây là cơ hội để doanh nghiệp chiếm lĩnh lại thị trường bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ giá bán, cải thiện chất lượng phục vụ. Nhưng đáng tiếc, nhiều doanh nghiệp lại nâng giá bán để thu lợi nhuận, gây thiệt hại cho ngườitiêu dùng. Nếu doanh nghiệp ngành thép vẫn hành xử phi thị trường như thời gian vừa qua, thì sau 200 ngày kể từ khi áp thuế tự vệ (ngày 23/3) chắc chắn sẽ phải trả giá.
Doanh nghiệp sản xuất thép cần nhớ lại bài học từ vụ kiện của Hiệp hội Cá da trơn miền Nam nước Mỹ đối với cá da trơn của Việt Nam. Sau khi họ thắng kiện, cá da trơn của Việt Nam bị áp thuế, nhưng các nhà nuôi trồng, chế biến cá da trơn miền Nam nước Mỹ không chịu giảm giá bán nên đã bị người tiêu dùng quay lưng.