TS. Cấn Văn Lực: Những chính sách của ông Trump sẽ tác động nhiều mặt đến kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu cơ hội, thách thức đối với xuất nhập khẩu, đầu tư sang thị trường Mỹ để có giải pháp phù hợp. 

Tại chương trình “Cafe doanh nhân HUBA” lần thứ 80 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA đánh giá, việc Mỹ - Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ thúc đẩy quan hệ giữa cả hai quốc gia.

Xét về kinh tế, hiện nay Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đây cũng là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới thúc đẩy các hoạt động xuất - nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang thu hút và tiếp nhận dòng vốn đầu tư công nghệ cao đối với các trung tâm vi mạch, bán dẫn,.. để bắt nhịp với kỷ nguyên khoa học - công nghệ trên thế giới, mà Mỹ là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA.

Đặc biệt, trong mối quan hệ tương tác toàn cầu, việc định hình, điều chỉnh chính sách của Mỹ với các cường quốc có thể khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển, mà Việt Nam kỳ vọng là một điểm đến.

Tuy nhiên, đứng trước giai đoạn Mỹ sắp chuyển giao quyền lực, cụ thể là vị trí Tổng thống cho ông Donald Trump, ông Hoà nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nắm bắt được những cơ hội, cũng như thách thức có thể phải đối mặt.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, chính sách đối ngoại, kinh tế của ông Trump tập trung vào 5 vấn đề lớn.

Một là phát triển kinh tế nội địa, giảm thuế thu nhập, tăng ưu đãi thuế. Hai là kiểm soát nhập cư. Ba là tăng khai thác năng lượng truyền thống. Bốn là đàm phán lại các thoả thuận thương mại, giảm cam kết quân sự quốc tế. Năm là tăng ngân sách quốc phòng, củng cố vị thế Mỹ.

Theo TS. Lực, những chính sách mới của ông Trump sẽ tác động nhiều mặt đến nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.

Về thương mại, chính sách của ông Trump ưu tiên sản xuất và tạo việc làm trong nước, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng do căng thẳng thương mại giữa Mỹ với một số đối tác như Trung Quốc, trong đó một số ngành hưởng lợi như sản phẩm điện tử, nội thất, dệt may, giày dép,… Song, Việt Nam cũng sẽ chịu nhiều thách thức hơn khi có khả năng bị áp thuế.

Về đầu tư, hiện nay, vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Luỹ kế đến hết tháng 10/2024, tổng vốn đầu tư FDI của Mỹ vào Việt Nam đạt 11,97 tỷ USD, chiếm 2,43% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, đứng thứ 11/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Đáng chú ý, Việt Nam cùng với Mexico sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại - công nghệ giữa Mỹ - Trung. Thời gian qua, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đang có sự cải thiện với nhiều doanh nghiệp lớn như: NVIDIA, Ford, Apple, General Electric,…

Về lãi suất – tỷ giá, trong ngắn hạn, lộ trình cắt giảm lãi suất dự kiến chậm lại do thuế quan và chính sách giảm thuế dẫn đến lạm phát; và đồng USD ở mức cao do kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực, dẫn đến áp lực lãi suất và tỷ giá tăng tại nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Theo ông lực, dự báo tỷ giá USD/VND ước tăng 4 – 4,5% năm 2024. Trong 2 năm tới, tỷ giá USD/VND dự báo tăng khoảng 2 – 3%/năm và giữ được mặt bằng lãi suất khá ổn định, lạm phát xoay quanh mức 3,5 – 4%.

Về thị trường chứng khoán, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tâm lý, cũng như bất ổn về chính trị, xã hội, kinh tế trên trường quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.

Trong trung và dài hạn, dữ liệu lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ tăng bình quân gần 12% trong 6 tháng sau bầu cử, có độ trễ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù lạc quan, ông Lực vẫn lưu ý về rủi ro các dòng vốn quốc tế có sự đảo chiều, rút bớt ra khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có các thị trường chứng khoán như Việt Nam, cũng như sự dịch chuyển dòng vốn từ chứng khoán sang các kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiết kiệm, vàng, bất động sản.

Ông Lực cũng nhấn mạnh khả năng giá vàng tăng trở lại vẫn có thể xảy ra trong trung và dài hạn, khi xung đột địa chính trị, tính bất thường của tổng thống Trump, Fed trì hoãn giảm lãi suất, tăng trưởng kinh tế thế giới và Mỹ chậm lại,… khiến nhà đầu tư có thể tìm kiếm kênh trú ẩn vàng.

“Tuy nhiên chúng tôi không bao giờ khuyến khích đầu cơ vàng, bởi khi đó sẽ không còn tiền cho sản xuất kinh doanh”, ông Lực nói.

Đặc biệt, chính sách siết nhập cư của ông Trump cũng sẽ tạo thêm rào cản đối với khách du lịch Việt Nam sang Mỹ, sinh viên Việt Nam có thể bị hạn chế visa và thời gian xét duyệt lâu hơn.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại “Cafe doanh nhân HUBA”.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại “Cafe doanh nhân HUBA”.

Trước tất cả thách thức và cơ hội, ông Lực cũng dành lời khuyên các doanh nghiệp cần chuẩn bị “tâm thế mới” để sẵn sàng bước vào “vận hội mới”.

Trong đó, doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ thuế, phí, lãi suất,… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng lớn như “xanh hoá và số hoá”, đón đầu xu hướng công nghệ.

Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro; đặc biệt là tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia,..

“Nhìn chung, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu cơ hội, thách thức đối với xuất nhập khẩu, đầu tư sang thị trường Mỹ để có giải pháp phù hợp”, ông Lực dành lời khuyên.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục