Nhu cầu tiền mặt để triển khai các gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế là rất lớn trong khi nguồn huy động đang là vấn đề khó khăn. Một trong các giải pháp được Bộ Tài chính tính tới là phát hành công trái ngoại tệ. Theo ông, giải pháp này liệu có khả thi?
Trong thời điểm hiện nay, vấn đề huy động vốn bằng phát hành công trái, kể cả công trái ngoại tệ hay nội tệ, phải hết sức cân nhắc. Công trái thường có lãi suất thấp, thời hạn dài, nhiều khả năng người dân không mặn mà. Khác so với những năm 1980 - 1990, người dân hiện nay đang có quá nhiều kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, khởi nghiệp…
Việc phát hành công trái ngoại tệ là khó khả thi. Nếu phát hành với lãi suất thấp sẽ không huy động thành công, trả lãi suất cao sẽ khiến tình trạng đô-la hóa tăng trở lại, đi ngược với chính sách chống đô-la hóa của Chính phủ và cũng gây áp lực nhất định lên tỷ giá.
Theo ông, lượng ngoại tệ trong dân hiện nay thế nào?
Không thể biết chính xác số ngoại tệ trong dân hiện nay bao nhiêu. Tuy nhiên, theo dự doán của chúng tôi, số ngoại tệ còn trong dân là rất ít. Vì thời gian qua, tỷ giá ổn định, khiến đa phần lượng ngoại tệ trong dân dưới dạng kiều hối, cho tặng, kiếm được từ kinh doanh… đã được người dân quy đổi sang tiền đồng để chi tiêu, đầu tư. Đây cũng là một lý do nữa khiến việc phát hành trái phiếu ngoại tệ phải hết sức cân nhắc.
Lượng ngoại tệ mà ngân hàng thương mại huy động trong dân rất lớn, liệu ngân hàng thương mại có phải là đối tượng tiềm năng mua công trái ngoại tệ?
Tôi cho rằng, ngân hàng thương mại lại càng không mua, vì họ cũng cần có lượng ngoại tệ dồi dào để dự trữ cho thanh toán xuất nhập khẩu. Hơn nữa, công trái ngoại tệ thường có kỳ hạn rất dài, trong khi ngân hàng thương mại không thể gửi ngoại tệ dài hạn được (đa phần ngoại tệ huy động là ngắn hạn). Tóm lại, phát hành công trái ngoại tệ rất khó nhắm vào đối tượng nào, không nên triển khai.
Có ý kiến cho rằng, Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia là nguồn lực dồi dào để phục hồi kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể huy động từ nguồn này. Quan điểm của ông như thế nào?
Theo tôi là không nên, vì có 4 lý do.
Thứ nhất, Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia tuy đang ở mức cao kỷ lục, song vẫn còn mỏng. Con số 100 tỷ USD chỉ tương đương 3,8 - 3,9 tháng nhập khẩu, chỉ cao hơn một chút so với khuyến nghị tối thiểu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 3 tháng nhập khẩu.
Thứ hai, việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ phát đi tín hiệu xấu với nền kinh tế Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Nếu bị hạ mức xếp hạng, khi đó chi phí vay nước ngoài của Việt Nam sẽ phải trả mức lãi suất cao hơn.
Thứ ba, việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ khiến nhà đầu tư cho rằng, kinh tế Việt Nam gặp nhiều rủi ro, từ đó gây áp lực mất giá tiền đồng, gây áp lực lên tỷ giá, lạm phát, gây bất ổn vĩ mô nhất định.
Thứ tư, bài học kinh nghiệm cho thấy, gói kích cầu kinh tế năm 2009 sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia và đây là một trong những nguyên nhân khiến việc thanh quyết toán đến nay vẫn chưa tiến hành xong.
Nếu không huy động từ các nguồn trên, thì cần tính tới giải pháp nào, thưa ông?
Chúng ta có thể huy động vốn từ rất nhiều kênh khác.
Cách tốt nhất là phát hành trái phiếu chính phủ trong nước, vừa có lãi suất thấp, vừa tạo điều kiện hình thành đường cong lãi suất chuẩn.
Trong trường hợp không vay được trong nước, thì lúc đó có thể vay các tổ chức nước ngoài. Hiện tại, ADB, WB… đều có cho vay phục hồi kinh tế với lãi suất khá thấp, thời hạn dài và điều kiện không quá khắt khe.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tính toán được trong tổng gói hỗ trợ nền kinh tế, số tiền mặt cần huy động là bao nhiêu, từ đó mới có thể tính toán được phương án huy động vốn khả thi.