Ngành ngân hàng hiện vẫn tồn tại không ít vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn, hệ thống tài chính Việt Nam dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng, một lý do có thể khiến thị trường tài chính bất cân xứng trong phân bổ nguồn lực trong bối cảnh hệ thống ngân hàng có những điểm yếu kém. Hay chính sách tỷ giá không còn neo cứng, nhưng áp lực điều chỉnh tỷ giá đang lớn dần. Lãi suất vẫn là câu chuyện nghịch lý khi lạm phát thấp, nhưng lãi suất cao…
Đáng chú ý, nhìn lại chặng đường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 3 - 4 năm qua, hiện mới hoàn thành giai đoạn đầu. Cần phải tiếp tục cải cách, xử lý căn cơ nợ xấu; xây dựng, nâng cao được tính lành mạnh và chuẩn mực của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là việc đáp ứng các thông lệ tốt về quản trị rủi ro và các chuẩn mức quốc tế. Nhưng những tồn tại đang trở nên phức tạp, một mình Ngân hàng Nhà nước khó có thể giải quyết, đòi hỏi phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Trước những tồn tại của ngành ngân hàng, người làm báo có những khó khăn nhất định khi viết tin, bài như đã nêu trên. Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi giữa người viết với lãnh đạo các ngân hàng và chuyên gia kinh tế, tất cả đều chung quan điểm, cho đến cùng, người làm báo phải có trách nhiệm với thông tin của mình, phải trung thực với nền kinh tế và xã hội mà không phục vụ cho lợi ích của bất kỳ nhóm nào. Người làm báo phải phản ánh thông tin thẳng thắn, cập nhật, không đưa thông tin dưới cặp kính màu làm sai lệch nhận định của những người nhận thông tin…
Câu chuyện gần đây nhất, CBBank công bố khoản nợ xấu gần 3.000 tỷ đồng cần phải thu hồi từ Công ty Phương Trang và hãng xe này được cho là đã sử dụng “chiêu” mời báo chí đến tham dự cuộc họp báo khi chưa thống nhất được với CBBank, khiến cuộc họp hai bên bị hủy.
“Một tranh chấp riêng giữa hai bên mà đơn phương mời báo chí đến là hành vi không chuyên nghiệp, gây khó cho truyền thông”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, trước biển thông tin xô bồ, hỗn tạp, điều quyết định giúp nhà báo đưa được những thông tin tích cực, lành mạnh, đúng đắn tới độc giả là tính chính trực. Để hỗ trợ, phục vụ cho sự chính trực đó, rất cần năng lực và trình độ tác nghiệp cao. Nhiều khi muốn mà không có khả năng tác nghiệp thì tính chính trực cũng bị hạn chế. Đạo đức, năng lực hòa quyện với nhau, tạo nên chân dung của người làm báo, thể hiện qua hiệu quả, tác dụng, chất lượng tác phẩm. Và tổng thể, rất nhiều gương mặt nhà báo sẽ tạo nên chân dung của một nền báo chí.
“Trách nhiệm của báo chí là quyết đứng về cái thiện, giúp độc giả dám đứng về cái thiện, không run sợ trước cái ác. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào tính chính trực, lòng quả cảm, dám dấn thân của nhà báo. Đó là biểu hiện cao nhất của đạo đức nghề nghiệp”, ông Lợi nhấn mạnh.
Điểm 3, Điều 25, Luật Báo chí số 103/2016/QH13, ban hành ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 quy định, nhà báo có 6 nghĩa vụ:
Thứ nhất, thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thứ hai, bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.
Thứ ba, không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật.
Thứ tư, phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Thứ năm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ sáu, tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.