Tại Việt Nam, với hơn 1,3 triệu cửa hàng cửa hàng tạp hóa, kênh bán lẻ truyền thống hiện chiếm hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam, tương đương với doanh thu gần 10 tỷ USD, khoảng 220.000 tỷ đồng.
Đại diện Nielsen cho biết thêm hầu hết các nhà sản xuất đều cho rằng kênh bán lẻ truyền thống tại Việt Nam sẽ nhỏ dần, nhưng thực tế năm 2015, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng của kênh này lại tăng nhanh hơn kênh thương mại hiện đại.
Nghiên cứu của Nielsen cho thấy tốc độ giao dịch mua bán tại cửa hàng tạp hóa truyền thống hầu hết đều diễn ra rất nhanh. Trung bình, một giao dịch mua hàng thường chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 90 giây, với 10 giây đầu là để đặt hàng và 20 giây cuối là để thanh toán tiền mặt.
Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra Top 3 ngành hàng dành cho nam thường được mua nhiều nhất là thuốc lá 48%, thực phẩm (mì gói và snack) 36%, và nước giải khát (nước uống có ga, bia và sữa tươi uống liền) 31%.
Trong khi đó, các ngành hàng thường được giới nữ mua nhiều nhất là thực phẩm (mì gói, cá tươi và sữa đậu nành) 60%, và nước giải khát (sữa tươi uống liền và trà đóng chai) 38%.
Tuy vậy, kênh bán lẻ truyền thống ở Việt Nam phức tạp và có sự cạnh tranh gay gắt. Mặt khác, với hơn 1,3 triệu cửa hàng nhưng để đưa sản phẩm vào hệ thống này là một thách thức không nhỏ.
Các nhà sản xuất, kể cả nhà sản xuất lớn có đội ngũ bán hàng hùng mạnh, cũng chỉ khai thác được cơ hội quảng bá sản phẩm tại 30% cửa hàng tạp hóa.
Báo cáo của Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chỉ có 2% khách hàng nhận biết được các chương trình khuyến mãi khi đến mua hàng tại cửa hàng tạp hóa. Chỉ 1% nhà bán lẻ đề cập các chương trình khuyến mãi đến với người mua hàng ngay tại cửa hàng.
Thực tế này là cơ hội cho các nhà sản xuất hướng dẫn và giúp cho các nhà bán lẻ tạo sự ảnh hưởng đến với trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng.