Truyền thông lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Bước tiến lớn, nhưng vẫn có điểm “mờ”

(ĐTCK) Trong vòng 10 năm qua, truyền thông trong lĩnh vực tài - chính ngân hàng đã có những bước tiến rất dài, hỗ trợ thị trường phát triển.
Truyền thông lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Bước tiến lớn, nhưng vẫn có điểm “mờ”

1. Thông tin ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông, trong khi chất lượng cũng như độ sâu của thông tin ngày càng nhiều và thực chất.

 TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế.

Nếu có thang điểm 10, với 1 điểm là thấp nhất và 10 điểm là cao nhất, tôi cho rằng, cách đây 10 năm, truyền thông lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở mức 5 điểm, còn bây giờ lên 7 điểm.

Tuy nhiên, điểm số này cũng cho thấy có sự chưa hoàn hảo ở một số góc độ như thông tin đăng tải vẫn còn có sự chọn lọc nên đã không truyền tải hết được vấn đề.

Ví dụ, với câu chuyện nợ xấu, không chỉ có riêng vấn đề tín dụng, mà còn là câu chuyện về con người, xã hội, thể chế… đằng sau đó, nhưng chưa được đề cập đủ nhiều để bạn đọc có cái nhìn tổng thể. Theo đó, người dân và các thành phần kinh tế chưa được thông tin đầy đủ.

Đồng thời, truyền thông có xu hướng đưa ra "mặt hồng" của bức tranh, còn những "mảng tối", đặc biệt là những nguyên nhân của mảng tối đó ít được nhắc đến, thậm chí chưa được đụng tới. Bức tranh được tô điểm nhiều màu hồng, nhưng không thực chất.

Nguyên do của vấn đề này có thể đến từ hệ thống truyền thông tài chính đã không được tiếp cận thông tin đầy đủ, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội có sự nhiễu loạn thông tin, xào xáo hoặc thổi phồng thông tin tiêu cực từ thông tin chính thống, nên báo chí khá dè dặt khi đưa ra thông tin dạng này.

Một nguyên nhân khác là các cơ quan quản lý ngành báo chí định hướng cho giới truyền thông trong một số trường hợp, vì thế các thông tin đưa ra mang tính sàng lọc. Một số trường hợp khác, cơ quan quản lý đưa ra thông tin nhỏ giọt, vì e ngại tác động của những thông tin nhạy cảm.

Một nguyên do nữa cho phần khiếm khuyết của bức tranh thông tin là những người làm báo được đào tạo bài bản, nhưng trong đó có một bộ phận còn non tay nghề, thiếu thực lực, viết bài về lĩnh vực tài chính vì sinh kế, mà không từ động cơ xây dựng sự nghiệp báo chí trong lĩnh vực này. Về trình độ chuyên môn của những người làm báo theo mảng tài chính - ngân hàng, tôi đánh giá đạt mức 6 điểm trong thang điểm 10.

Đó là về phía người đưa tin, còn về phía người nhận tin thì sao? Không thể không đề cập đến phía tiếp nhận thông tin bao gồm 2 giới: chuyên ngành và không chuyên ngành.

Giới chuyên ngành bao gồm tất cả những người, tổ chức làm việc và hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Trình độ của giới chuyên ngành tương đối cao và được cung cấp thông tin chuyên ngành qua báo chí, tài liệu, các trang mạng chuyên ngành.

Theo tôi, giới chuyên ngành không hoàn toàn hài lòng với các thông tin họ nhận được. Không ít người cho rằng, thông tin tài chính từ các cơ quan quản lý đôi khi còn thiếu sót, thiếu chính xác và không cập nhật. Nhiều dự báo được cho là quá lạc quan và không đủ cơ sở.

Giới chuyên ngành nhận được nhiều thông tin từ báo chí, nhưng lại thiếu nhiều bình luận, nhất là những bình luận mang tính phản biện và đối lập với những nhận định của các cơ quan quản lý.

Còn đối với giới không chuyên ngành thì báo chí cung cấp những thông tin mang tính thời sự và sốt nóng. Điều này có thể giải thích từ trình độ hiểu biết chưa cao của nhiều người dân về những vấn đề tài chính, ngân hàng.

Báo chí sẵn sàng cung cấp những thông tin mà người dân và các thành phần kinh tế không chuyên ngành tài chính có thể hấp thụ được.

Do đó, giới không chuyên ngành khó tiếp cận nguồn thông tin chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Những thông tin phổ thông và mang tính thời sự như tín dụng đen, lãi suất cao, đô-la lên xuống, giá vàng dao động, đồng bitcoin, các loại hình đầu tư lừa đảo, dân mất tiền từ tài khoản… được đón xem hơn là những thông tin về chính sách tiền tệ, các biện pháp bảo đảm an ninh tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Với những nhận định trên từ cả hai phía, người đưa tin và người nhận tin, truyền thông không nên chỉ là định hướng dư luận, mà nên cung cấp đầy đủ thông tin với những bình luận xác đáng và khách quan để giúp các thành phần kinh tế hiểu rõ những vấn đề của nền tài chính Việt Nam, qua đó hỗ trợ thị trường tài chính - tiền tệ phát triển ổn định, vững mạnh hơn. 

2. Báo Đầu tư nói chung và Đầu tư Chứng khoán nói riêng đã và đang có những đóng góp đáng kể cho hệ thống tài chính - ngân hàng. Đây là những tờ báo chuyên ngành với những thông tin và bình luận chuyên sâu.

Báo có nhận thức rõ ràng về sự cần thiết của những quan điểm bình luận khách quan và mang tính phản biện.

Tuy nhiên, các bài báo về ngân hàng vẫn còn ít so với chứng khoán đang chiếm đa số và được thể hiện qua tên của tờ báo. Cần mở rộng không gian đăng tải về tài chính - ngân hàng, bởi đây là xương sống của nền tài chính, kinh tế đất nước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục