Trường Sa - miền quê gây thương nhớ

0:00 / 0:00
0:00
Trường Sa trong quá khứ là những trang sử vệ quốc đau thương. Trường Sa nay là miền quê gây thương nhớ với những vũ điệu sắc màu của biển trời, những người dân hiền hậu...
Lễ chào cờ tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: H.H Lễ chào cờ tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: H.H

Những đặc sản của Trường Sa

Trường Sa mùa này biển lặng, bầu trời xanh vời vợi. Biển dịu dàng và thân thiện đến lạ kỳ. Những chiếc tàu, ca nô ngược xuôi, những đàn cá heo, cá chuồn vẽ lên mặt nước bức tranh tuyệt mỹ.

Chưa đến 6 giờ sáng, nắng đã rót những giọt vàng óng ánh tràn ngập các đảo chìm, đảo nổi. Nhìn từ ngọn hải đăng, các đảo nổi Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca… đẹp như một thành phố du lịch với những ngôi nhà ngói đỏ, rặng cây xanh mướt, hàng quạt gió cao ngạo nghễ. Bao quanh là bãi cát trắng dài mềm mại nối với biển khơi xanh thẳm và tầng tầng, lớp lớn những con sóng bạc như một chiếc váy điệu đà.

Giữa khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn, khi mặt trời như chiếc mâm đỏ, tỏa ánh vàng như mật, đằm thắm và chín mọng trải mênh mang trên mặt nước, rất có thể, bạn sẽ bắt gặp bầy hải âu trắng chao liệng hay những đàn cá heo, cá chuồn bay lên hoặc nhô những chiếc vây như những cánh buồm đầy ấn tượng.

Đặc biệt, sự xuất hiện thường xuyên của cầu vồng thực sự mang đến những vũ điệu ánh sáng đầy sắc màu ở Trường Sa. Hôm ấy, trời đang nắng như đổ lửa bỗng chuyển đen sầm sì, mưa lắc rắc vài hạt đã xuất hiện cầu vồng rực rỡ. Sau đó, nắng lại rớt xuống qua đám mây xám xịt, rồi nhanh chóng chiếm lĩnh không gian.

Giữa những cơn mưa, nắng ấy, cầu vồng hiện ra với nhiều kiểu cách khiến người chứng kiến không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Có khi là hai cầu vồng đồng dạng, xếp chồng lên nhau, lúc lại có hai chiếc ngược chiều. Đặc biệt, khoảnh khắc cầu vồng xuất hiện cùng những đám mây ngũ sắc khiến biển trời Trường Sa càng thêm diệu kỳ.

Chưa hết, ngay bên rìa các đảo chìm, đảo nổi, bạn dễ dàng ngắm nghía đủ loại cá, san hô ở thế giới thủy cung đích thực. Từng đàn cá, tôm đủ sắc màu, hình dạng, kiểu cách, kích cỡ bơi lội tung tăng. Biển Trường Sa có nhiều vùng nước nông, sâu với đủ loại hải sản.

Hôm đó ở đảo Đá Thị, bên thềm san hô hiền lành, 6 chiến sĩ giăng lưới, nước ngập ngang bụng. Bốn người còn lại dùng những chiếc bơi chèo, đập mạnh xuống mặt biển phía đối diện. Nước bắn tung tóe. Khi đó, cá sẽ sợ, chạy và sa lưới. Lần thả lưới ấy, các chiến sĩ kéo lên được gần 30 kg cá các loại, chủ yếu là cá kìm và cá bò.

Hôm sau, tàu HQ-571 thả neo gần đảo Nam Yết. Từ mạn tàu, một cụm đèn công suất khá lớn được chiếu thẳng xuống biển để tạo ngư trường. Các thành viên trong thủy thủ đoàn lục tục lôi “đồ nghề” ra săn cá. Một chiến sĩ cầm vợt sẵn sàng, chờ đám cá chuồn “phi thuyền mặt biển” vèo đến là vớt. Phía trái mạn tàu, nhóm câu của Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Đoan kéo lên được một chú cá ngừ nặng khoảng 25 kg. Bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại niềm tự hào về sự “giàu có” của ngư trường Trường Sa.

Chú cá ngừ vừa được kéo lên, ngay lập tức bếp trưởng xử lý, thái thành từng lát mỏng đỏ au. Những đĩa rau cải xanh cùng chuối xanh, khế, mùi, ngổ, húng, thì là cũng được các chiến sĩ tổ bếp nhanh tay chuẩn bị. Thế là chúng tôi được thưởng thức món cá ngừ tươi rói chấm mù tạt, được pha kèm với xì dầu, tương ớt, chanh đánh nhuyễn. Vị thơm, tanh nồng hòa vào các loại rau thơm khi chấm cay xộc lên tận óc rồi lan tỏa sự êm dịu ngọt ngào.

Đặc sản ở Trường Sa còn nhiều lắm, nào là gà Song Tử, canh lá mướp đắng nấu cùng heo bọc thép, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, thịt lợn cuốn lá tra, cà bát muối xổi, sa lát rau cải mầm... Nhưng ấn tượng nhất phải kể tới ốc nhảy và ốc vú nàng, hai loại được các chú bộ đội ví là “vua” và “hoàng hậu” ốc, không chỉ vì hình dáng đẹp mà còn bởi hương vị khó quên.

Nếu ốc nhảy có nhiều theo mùa từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch, thì ốc vú nàng chỉ xuất hiện khi có trăng. Hôm ấy, đúng Rằm tháng 3 Âm lịch, nên chúng tôi may mắn được thưởng thức cả hai loại. “Vua” ốc ngon nhất khi luộc sả, “Hoàng hậu” ốc hấp dẫn nhất khi nướng trên than hoa. Không gian đặc quánh khói và mùi thơm, khiến mọi người phập phồng hai cánh mũi, vị giác bị kích thích.

Đậm chất làng quê Việt

Không có nhà hàng sang trọng, không có khách sạn chọc trời, không quán bar sôi động, ở Trường Sa chỉ có sự bình dị, mộc mạc, biển xanh. Nước biển trong veo in bóng mây trời. Cát mịn, trắng phau. Và còn có cả “nữ hoàng các loài hoa”- hoa bàng vuông mà ai ra Trường Sa cũng mong một lần được ngắm. Bởi, ngay cả bộ đội mỗi ngày biết rõ giờ cơm chiều hoa nứt nụ, tầm 9 giờ tối sẽ bung nở rực rỡ, đưa thơm ngào ngạt, mà vẫn háo hức, đợi chờ.

Bông hoa bàng vuông như có bàn tay nghệ nhân xếp nhụy tím hình xoáy ốc, cuộn chặt bên trong nắp cánh tròn điệu nghệ, công phu như búi tóc vương phi, hoàng hậu. Giờ khắc bung nở, đầu tiên là lớp cánh, sau đó lớp nhụy xoáy ngược ra. Hàng trăm tia nhụy duỗi thẳng băng, kiêu hãnh. Bông hoa nở mang theo cảm xúc huy hoàng và mong manh, người sáng giữa đêm khuya, nơi phía dưới, chàng lính trẻ khoác súng đứng nghiêm trang trong phiên gác.

Nếu đã một lần đến với Trường Sa, bạn cũng sẽ chẳng thể nào quên được những ngôi nhà nằm san sát nhau ở xã đảo Song Tử Tây khang trang, thơ mộng chẳng khác gì những ngôi biệt thự. Nhiều người dân từ đất liền đã vượt hàng trăm hải lý ra đảo sinh sống, an cư, lập nghiệp từ rất lâu. Nhiều đứa trẻ đã chào đời trên các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây.

Dẫn chúng tôi đi thăm tổ ấm của mình, vợ chồng anh Sầm Văn Lư và chị Chu Thị Mùi khoe: “Tuy sống ở đảo, nhưng nhà có đầy đủ tiện nghi như tivi để giải trí và thường xuyên cập nhật tình hình ở đất liền; tủ lạnh để giữ thức ăn. Trong vườn, vợ chồng còn trồng rau, nuôi gà đủ để phục vụ cuộc sống gia đình”.

Đứng trước vườn rau xanh tốt với đủ loại muống, dền, mồng tơi, mướp, ớt, sả..., chị Mùi tâm sự: “Ở đây có khi nắng nóng kéo dài, hơi nước biển bốc mạnh, có khi mưa bão, nhưng vợ chồng tôi đã cẩn thận che chắn, chăm sóc chu đáo, nên vườn rau luôn xanh tốt”.

Anh Lư cho biết: “Vợ có nhiệm vụ ở nhà chăm sóc con, trồng rau, nuôi gà, còn tôi thì đi biển đánh cá. Cứ tối đi, sáng về, chồng lo cá, vợ chăm rau, cuộc sống gia đình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm”.

Tối tối, cả cán bộ, chiến sĩ và người dân cùng quây quần bên ấm trà nóng, trò chuyện râm ran. Nào chuyện gia đình, vợ con, chòm xóm ở quê, chuyện tiếu lâm nơi này, nơi khác. Đến chương trình thời sự 19 giờ VTV1, tất cả cùng tập trung xem để nắm bắt tình hình đất nước, quê hương. Những đêm giao lưu văn hóa - văn nghệ, khi hát karaoke, những giai điệu quê hương lại được ngân vang, làm thổn thức cõi lòng bao người lính.

Các ca khúc nổi tiếng “Việt Nam quê hương tôi”, “Về quê”, “Chân quê”, “Khúc hát sông quê”, “Quê hương”… được mọi người hát với tất cả niềm say mê tha thiết của mình. Đó là minh chứng sinh động cho cái đẹp nơi đảo xa, một mạch nguồn trong mát luôn chảy trong tâm khảm mỗi người nơi đầu sóng.

Thật dễ hiểu khi Trường Sa có nhiều cái tên mang âm hưởng của quê nhà, thấm vào gan ruột không chỉ những người lính đảo, mà cả những người dân Việt Nam như Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn, Thuyền Chài… Đặc trưng “văn hóa làng” đã hòa quyện và lan tỏa trong sự liên hệ vô hình giữa bờ với biển đảo, trầm lắng mà mãnh liệt biết bao.

Ở Trường Sa, trong đời sống và sinh hoạt của mỗi người lính, người dân đều mang âm hưởng của quê hương. Giống những người lính ở đất liền, người lính đảo cũng học tập, huấn luyện, tăng gia sản xuất, người dân cũng trồng rau, nuôi gà, ra khơi đánh bắt hải sản.

Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân xuất hiện khắp các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn với biết bao tác phẩm hữu ích cho cuộc sống và làm đảo thêm đẹp, thêm thi vị. Họ làm nên những tác phẩm rất đáng khâm phục như bông hồng bằng ốc biển, hòn non bộ bằng san hô, cây thông Noel bằng thép, chuồng chim câu bằng thùng phi…

Những ngôi chùa hướng về đất Mẹ

Vừa bước chân lên đảo Sinh Tồn, bên tai tôi vẳng tiếng chuông chùa giữa thinh không, khiến lòng người bình yên và thấy thiêng liêng, gần gũi. Boong, boong, boong... Giai điệu ngỡ chỉ có trong đất liền ấy ngân nga hơn khi vang lên ngoài đảo, giữa bạt ngàn sóng gió Trường Sa.

Chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây đều mang phong cách truyền thống, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển.... Các chùa đều có tam quan, chính điện, tả, hữu vu, sân vườn, ở vị trí có địa thế đẹp nhất trên các đảo, luôn hướng ra biển đông, hướng về Thủ đô Hà Nội.

Ngược dòng lịch sử, từ rất xa xưa, dù rất xa đất liền, liên lạc cách trở, nhưng ngư dân Việt trong hành trình đánh bắt hải sản đã dựng những am, miếu trên các bãi đá nổi, đá chìm giữa biển làm chỗ dựa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, tôm cá bội thu, cuộc sống ấm no.

Những công trình tâm linh xưa và nay thực sự trở thành điểm tựa tâm linh cho bộ đội ở đảo. Đó là nơi tổ chức các lễ cầu siêu cho những chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của dân tộc; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; cầu cho ngư dân đi biển... Nhờ có chùa và các nhà sư trụ trì, đời sống tinh thần, tâm linh của quân và dân đảo Trường Sa như được tiếp thêm sinh khí.

“Sự khắc nghiệt của Trường Sa là môi trường trong lành, thanh tịnh rất quý báu cho người tu hành chúng tôi. Nhờ thế mà chúng tôi toàn tâm, toàn ý hướng đến chân lý giải thoát của Đức Phật”, thầy Thích Minh Huy, trụ trì chùa Sinh Tồn chia sẻ cảm nhận khi tu hành ở môi trường đặc biệt như Trường Sa.

Thầy bảo: “Tâm chí thành, nguyện chí thiết, vốn là những tiêu chí đầu tiên mà mỗi người con của Phật phải giữ cho được. Sự có mặt của chư tăng, trong đó có tôi, nơi tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc là sự khẳng định không gì chối cãi rằng, đây là mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, được nhiều đời cha ông hy sinh, tốn xương máu giữ gìn”.

Ngồi trên bờ kè bên chùa Song Tử Tây, ngôi chùa ở vị trí xa nhất của Tổ quốc trên biển và là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa, trong cái chạng vạng của những buổi chiều trên biển, tôi bất chợt hình dung bao linh hồn những người con anh hùng của dân tộc đã hòa máu xương vào sóng nước. Biết đâu đó, đang có một đội hùng binh sau khi giao ca, đổi gác ngoài mênh mông kia đang tụ lại bên mái cong của những ngôi chùa trên đảo để rì rầm trò chuyện về những dự định còn dang dở.

Giữa cái nắng cồn cào của Song Tử Tây, giữa cái mưa ồn ào, xối xả của Sơn Ca, giữa thông thốc gió biển trên Nam Yết, giữa cái khô khốc, mặn mòi ở Trường Sa Lớn…, những ngôi chùa thể hiện sinh động đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam nơi biển đảo, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục