“Trước mở, sau thắt” đang làm khó nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Môi trường đầu tư, kinh doanh bị đánh giá là “trước mở, sau thắt” đang cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhà máy Hanwha Aero Engines của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) Nhà máy Hanwha Aero Engines của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)

E dè vì “trước mở, sau thắt”

Sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, ít ngày trước đây, Công ty TNHH Compal Electronics Việt Nam đã ký kết hợp tác đầu tư vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Bình). Với vốn đầu tư 260 triệu USD, Compal sẽ xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm như đồng hồ thông minh, máy tính bảng, module băng tần mạng 5G…

Trong khi đó, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) và các doanh nghiệp phụ trợ vừa quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định) các dự án sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao, máy in phụ trợ, thùng giấy phụ trợ, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, trong đó riêng nhà máy của JiaWei có vốn đầu tư 80 triệu USD.

Trước JiaWei, Quanta Computer, một nhà sản xuất Đài Loan khác, vào đầu tháng 5/2023, cũng đã nhận được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Nam Định để đầu tư một nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, với vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD.

Đây là những thông tin rất tích cực, nhưng những dự án này chưa chắc chặn đứng được xu hướng sụt giảm dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây. Theo dố liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm ngoái, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam là trên 14 tỷ USD, trong khi con số của 5 tháng đầu năm nay là 10,86 tỷ USD.

Để san bằng khoảng cách so với năm ngoái, ít nhất, trong tháng 6/2023, phải có 3,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Đây là con số khá cao, nhất là trong bối cảnh thời gian gần đây, ít có các cam kết tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài, mà chiếm tỷ trọng lớn vẫn là các dự án quy mô nhỏ và vừa.

“Việc triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu làm các tập đoàn lớn trì hoãn kế hoạch đầu tư mới, mở rộng đối với các dự án quy mô lớn, để quan sát phản ứng chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, nhằm lựa chọn địa điểm tối ưu và có tính cạnh tranh nhất”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải với các đại biểu Quốc hội như vậy về sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các nguyên nhân khách quan cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, như sự mất giá của đồng nội tệ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam làm chậm quá trình ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư khu vực này; do tình hình kinh tế thế giới khó khăn nên các đối tác lớn có xu hướng giảm hoạt động đầu tư ra nước ngoài…

Nhưng có lẽ, những nguyên nhân chủ quan mới là điều khiến các nhà đầu tư e ngại nhất. “Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang bị đánh giá là ‘trước mở, sau thắt’. Thủ tục đầu tư và doanh nghiệp thì đơn giản, thuận lợi, nhưng các thủ tục về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan... còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, còn xuất hiện cả tình trạng một số bộ, ngành, địa phương né tránh, ngại xử lý các vấn đề khó, phức tạp.

“Thậm chí, có tình trạng gửi hồ sơ, văn bản lấy ý kiến để ‘cộng đồng trách nhiệm’, gây kéo dài thủ tục. Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua phản ánh nhiều về vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thiếu điện, thiếu nhân lực, Việt Nam thiếu sức hút

Các doanh nghiệp đều quyết định mở rộng đầu tư dựa trên cam kết với khách hàng. Chúng tôi cũng phải tiến hành đầu tư theo đúng với lịch trình dự kiến để có thể cung cấp các sản phẩm cho khách hàng theo đúng thời hạn đã hứa. Nếu nhận được sự phê duyệt kịp thời và chúng tôi giữ đúng lời hứa với khách hàng, thì điều này không chỉ giúp cải thiện uy tín của mỗi doanh nghiệp, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

- Ông Kim Yong Seup, Tổng giám đốc Công ty Hyosung Đồng Nai (đơn vị đang lên các kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam)

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở thủ tục đầu tư, hay đất đai, phòng cháy, chữa cháy…, những rào cản tưởng chừng đã cũ đang “nóng” trở lại thời gian gần đây. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, trong khi giấy phép lao động có thời hạn ngắn, thủ tục cấp, gia hạn giấy phép lao động kéo dài cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư.

“Khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, họ đều đặt ra hai vấn đề: hạ tầng như thế nào và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được không”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã nói như vậy.

Có một thực tế được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập, đó là thị trường lao động Việt Nam đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô, sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay chỉ là 26,4%, thấp so với các nước phát triển.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung chuyển đổi sang mô hình tự động hóa, hiện đại hóa, cải tiến dây chuyền, hệ thống để tăng hiệu quả, hiệu suất, đòi hòi công nhân, lao động tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, lao động Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề thấp. “Vì vậy, thị trường Việt Nam sẽ thiếu tính cạnh tranh và sức thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Thực tế, từng có chuyện AT&T (nhà đầu tư Áo) quyết định chọn Malaysia chứ không phải là Việt Nam làm địa điểm đầu tư. Câu chuyện xuất phát từ việc nguồn nhân lực của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này đã nhiều lần được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới như một sự tiếc nuối lớn.

Và một vấn đề “nóng” đang nổi lên gần đây, đó là chuyện thiếu điện. “Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng cắt điện đột ngột. Nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận điện tái tạo, nhưng thực tế khả năng cung cấp vẫn chưa sẵn sàng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã cho biết như vậy.

Điện thiếu khiến Bắc Giang - một trong những địa phương đang nổi lên là địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu những năm gần đây - buộc phải lựa chọn phương án ưu tiên điện cho sản xuất vào ban ngày, điện cho sinh hoạt vào ban đêm.

“Ban ngày, các doanh nghiệp được cấp điện sản xuất liên tục. Nếu doanh nghiệp nào có đơn hàng gấp thì phải đăng ký với Ban quản lý các khu công nghiệp và ngành điện, và chỉ được sản xuất trong khoảng từ 0-5 giờ sáng”, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết như vậy.

Tuy vậy, với giải pháp này, nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng không đủ điện để duy trì sản xuất. Và đây là chuyện của không riêng Bắc Giang.

Thiếu điện, thiếu nhân lực chất lượng cao là “câu chuyện dài kỳ” của kinh tế Việt Nam. Nếu không sớm có phương án xử lý, thì Việt Nam thực sự sẽ thiếu sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục