Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC): Bệ phóng cho start-up Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) đã và đang trở thành chỗ dựa vững chắc, bệ phóng cho các start-up, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển công nghệ mới.
NIC - nơi đỡ đầu cho các tài năng trẻ. Ảnh: Đức Thanh NIC - nơi đỡ đầu cho các tài năng trẻ. Ảnh: Đức Thanh

Đỡ đầu cho tài năng trẻ về Việt Nam

Đầu tháng 10/2023, trong buổi lễ ra mắt start-up Phygital Labs, giới thiệu giải pháp định danh số vạn vật của 2 cựu kỹ sư Google là Huy Nguyễn và Nam Đỗ, đã có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu và phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp thuộc NIC. Bà Dung từng có nhiều năm làm Trưởng văn phòng đại diện Khoa học và Công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco (Hoa Kỳ).

Công tác tại NIC, bà Dung được giao nhiệm vụ thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ về đóng góp cho đất nước. Cựu kỹ sư Google Huy Nguyễn là một trong 100 nhân tài từ Thung lũng Silicon về Việt Nam khởi nghiệp, tham gia “Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam” do NIC thành lập từ năm 2018.

Về Việt Nam, bà Dung muốn lan tỏa văn hóa Thung lũng Silicon cho các đồng nghiệp, những nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách. Đó là tinh thần tiếp nhận, khích lệ những thử nghiệm công nghệ mới, bởi khi tiếp xúc với công nghệ mới, đầu tiên phải có năng lực để tiếp nhận những thứ mới này. Nếu quá bảo thủ, không có năng lực tiếp nhận những cái mới, thì không bao giờ có những doanh nhân công nghệ có những công nghệ sáng tạo đột biến.

Tháng 9/2023, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Hoa Kỳ. Thủ tướng đã có 2 buổi làm việc với cộng đồng người Việt, gồm một buổi ở Thung lũng Silicon với “Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam bờ Tây” và một buổi ở New York với “Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam bờ Đông”. Thủ tướng đã vận động những trí thức trẻ, đặc biệt là các bạn làm về công nghệ, quay về Việt Nam làm việc.

“Tôi tin hệ sinh thái của NIC sẽ tạo được hệ thống mạng lưới start-up chất lượng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Trên thực tế, rất nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ không biết đầu tư vào đâu. Nhờ sự phát triển hệ sinh thái của NIC, các start-up sẽ rất thuận lợi trong quá trình phát triển doanh nghiệp”, Hạnh Phạm, đồng sáng lập start-up Y'OUR Personalized Skincar, thành viên thường trực của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam Bờ Tây (Hoa Kỳ) chia sẻ.

Trong khi đó, Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs nhận xét: “NIC đã và đang là chỗ dựa tin cậy cho các start-up nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng những công nghệ mới”.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và “Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam” tại các nước nhằm thúc đẩy đổi mới sáng và chuyển đổi số trong khu vực công và tư nhân là một trong những “sứ mệnh” của NIC. Đến nay, “Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam” đã có mặt tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt.

Hỗ trợ start-up khởi nghiệp

Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là trọng tâm của NIC. Khi thiết kế các chương trình, Dự án hỗ trợ, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính rất quan trọng, bởi đa số doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng, nhưng thiếu nguồn lực tài chính để triển khai.

- Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC

Một start-up khác là Công ty An ninh mạng thông minh (SCS) do 2 cựu lãnh đạo Bkav là ông Ngô Tuấn Anh và ông Vũ Thanh Thắng thành lập bước đầu khởi nghiệp khá khó khăn, phải thuê văn phòng không đạt chuẩn. Với sự hỗ trợ của NIC, SCS có văn phòng ở vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất hiện đại và khu tiện ích chung để các kỹ sư công nghệ thỏa sức sáng tạo. “Ngoài không gian làm việc và các hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển, SCS cũng có cơ hội tham gia các hoạt động, chương trình hỗ trợ; sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo đặc biệt dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của NIC, như liên kết đối tác, các hội thảo và kết nối giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, tiếp cận các quỹ đầu tư…”, ông Ngô Tuấn Anh, CEO, nhà sáng lập SCS nói.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung tâm sẽ có cơ hội kết nối với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp khác để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ rất lớn từ các chương trình của Trung tâm để hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, như các dự án ADB Ventures, Vietnam Venture Summit, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Google for Startups…

Được biết, để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, start-up, đặc biệt về kết nối nguồn lực, NIC hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế lớn như Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google, Meta, Amazon…

Đáng chú ý, chương trình hợp tác với USAID đã nâng cao nguồn nhân lực cho khoảng 1.000 nhân sự, đặc biệt trong các ngành về công nghệ số, công nghệ truyền thông, big data, blockchain… Riêng chương trình hợp tác với Google, trong năm 2022 đã cấp hơn 26.000 suất học bổng cho các doanh nghiệp và trường đại học để đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Với hệ sinh thái khởi nghiệp của NIC, đã có 41 quỹ đầu tư cam kết rót 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023 - 2025 và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến đạt 5 tỷ USD. NIC đang triển khai Chương trình “Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam”, với mục tiêu đến năm 2030 phát triển được 500 doanh nghiệp tiên phong về đổi mới sáng tạo.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục