Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn liên tục xây dựng những con đường hay cây cầu, đặc biệt là những công trình hoành tráng trong suốt lịch sử của đất nước này. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những công trình này sẽ kết nối các địa phương và khơi thông dòng chảy hàng hóa, dịch vụ cũng như nguồn nhân lực, từ đó tạo ra lợi ích lớn về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, những con kênh là 1 phạm trù khác vì tốn rất nhiều nhân công và đòi hỏi kỹ thuật tân tiến để xây dựng. Cách đây khoảng 2.200 năm, dưới thời nhà Tần, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng con kênh Lingqu dài 36,4 km với mục đích sử dụng là đưa quân lính tới chinh phục các bộ tộc ở phía Nam và mở rộng lãnh thổ.
Ngoài ra, 700 năm trước, Trung Quốc cũng đã hoàn tất công trình xây dựng Đại Vận Hà (Grand Canal) với chiều dài 1.800 km kết nối Hàng Châu với thủ đô Bắc Kinh. Công trình này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Tuy nhiên, từ đó cho đến tận tháng 8/2022, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng kênh đào mang tên Pingly, chưa có con kênh mới nào được xây dựng.
Tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc trên bản đồ. Nguồn: Wikipedia. |
Có chiều dài 135 km và quy mô lên tới 72,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 10 tỷ USD), dự án này không chỉ mang lại cơ hội phát triển cho vùng biên giới Tây Nam (chủ yếu là tỉnh Quảng Tây) mà còn nêu bật những kỹ thuật xây dựng tiên tiến bậc nhất mà Trung Quốc đang sở hữu. Công trình còn thể hiện chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị đang có nhiều đổi thay như hiện nay.
Chuyên gia Gao Zhendong cho biết, kênh đào Pingly sẽ giúp Trung Quốc gắn bó chặt chẽ hơn với thị trường các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là 1 phần trong hành lang thương mại gồm cả đường bộ và đường biển kết nối phía Tây của Trung Quốc với vịnh Bắc Bộ và biển Đông, kênh đào dự kiến sẽ có thể vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050.
Tuyến đường ra biển 2 chiều này được dự báo sẽ rất đông đúc vì giúp cắt giảm chi phí đáng kể. Những tàu container và tàu chở hàng cỡ lớn sẽ chỉ mất vài tuần để di chuyển từ Nam Ninh tới các nước ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia...
Hiện tại, do thiếu cảng nước sâu, hàng hóa từ các tỉnh phía tây Trung Quốc phải qua sông Tây Giang và sông Châu Giang mới đến được Quảng Châu và Hong Kong (Trung Quốc). Sau khi hoàn thành, kênh đào Pinglu giúp hành trình từ các tỉnh trong đất liền phía tây Trung Quốc đi ra biển rút ngắn khoảng 560 km.
Kênh này có thể tiếp nhận những con tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn và có khả năng tiết kiệm hơn 5,2 tỉ nhân dân tệ (725 triệu USD) chi phí vận chuyển hàng năm.
Pinglu sẽ là kênh đào lớn nhất thế giới nối sông và biển, với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối. Theo ông Pan Jian - Phó giám đốc trung tâm chỉ huy kênh đào, lượng đất đá cần đào của kênh đào Pinglu sẽ gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp.
Kênh đào Pinglu sẽ có 3 âu tàu nội địa lớn nhất thế giới. Để chống xói mòn do nước biển, các nhà xây dựng kênh đào Pinglu cần đảm bảo bê tông được sử dụng trong âu tàu có thể tồn tại hơn 100 năm.
Với dân số khoảng 600 triệu người, khối ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Để đối trọng với Mỹ, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác song phương bằng cơ chế đối thoại thường niên, sáng kiến Vành đai Con đường và đặc biệt là Hiệp định thương mại RCEP (bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand).
Từ tháng 5/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức triển khai khung hợp tác kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác với một số nước ASEAN.