Trung Quốc và Nga sẽ thanh toán khí đốt bằng đồng ruble và nhân dân tệ

0:00 / 0:00
0:00
CEO của Tập đoàn Gazprom nhấn mạnh việc cho phép thanh toán bằng ruble và nhân dân tệ là giải pháp "đôi bên cùng có lợi" cho cả Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Đồng nhân dân tệ và đồng ruble. (Nguồn: businesspostbd.com) Đồng nhân dân tệ và đồng ruble. (Nguồn: businesspostbd.com)

Ngày 6/9, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đã ký một thỏa thuận để bắt đầu chuyển sang thanh toán nguồn khí đốt mà Moskva cung cấp Trung Quốc bằng nhân dân tệ và đồng ruble của Nga thay vì USD.

Giám đốc điều hành (CEO) của Gazprom, ông Alexei Miller nhấn mạnh việc cho phép thanh toán bằng ruble và nhân dân tệ là giải pháp "đôi bên cùng có lợi" cho cả Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Theo ông, thỏa thuận này sẽ giúp đơn giản hóa việc tính toán và sẽ là hình mẫu cho các công ty khác, đồng thời tạo lực đẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Nga và Trung Quốc.

Thông báo của Gazprom không cung cấp thêm chi tiết về cơ chế hoán đổi thanh toán hay khi nào việc thanh toán này bằng đồng ruble và nhân dân tệ sẽ được triển khai.

Thỏa thuận trên là một phần nỗ lực của Moskva nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD, euro và các loại ngoại tệ mạnh khác trong hệ thống ngân hàng của mình cũng như trong thương mại sau khi vấp phải các lệnh trừng phạt của phương Tây do căng thẳng Nga-Ukraine.

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các khách hàng châu Âu phải mở các tài khoản bằng đồng ruble ở ngân hàng Gazprombank và thanh toán bằng nội tệ của Nga nếu muốn tiếp tục nhận khí đốt từ Nga.

Nguồn cung đã bị cắt đối với các công ty và quốc gia từ chối điều khoản thỏa thuận này.

Ngay trước khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, Nga đã ký một thỏa thuận tăng thêm nguồn cung khí đốt đến Trung Quốc trị giá 37,5 tỷ USD.

Trước đó, Moskva đã bắt đầu xuất khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia dài 3.000km vào năm 2019, được Tổng thống Putin gọi là “sự kiện lịch sử không chỉ đối với thị trường năng lượng toàn cầu mà hơn hết là đối với 2 nước Nga-Trung”.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục