Trung Quốc tung 'át chủ bài', Tổng thống Trump phạm sai lầm lớn

Việc Bộ Tài chính Mỹ chính thức coi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ" ngay sau khi đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá kỷ lục so với USD được tin là sai lầm của Tổng thống Donald Trump.
Trung Quốc tung 'át chủ bài', Tổng thống Trump phạm sai lầm lớn

Ngày 5/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ cho hạ tỷ giá tham chiếu NDT xuống mức thấp nhất so với USD kể từ tháng 12/2018, đạt hơn 7 NDT đổi 1 USD, tức là vượt quá mức 7, ngưỡng tỷ giá quan trọng mà Bắc Kinh được tin đã cố gắng bảo vệ suốt 10 năm qua.

Việc NDT mất giá quá "lằn ranh đỏ" đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên khắp các thị trường, khiến hầu hết các chỉ số chứng khoán từ châu Á đến Mỹ đều giảm điểm mạnh. Lo sợ nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ, các nhà đầu tư đang rút tiền khỏi thị trường ngoại hối để tìm đến vàng, tạo động lực đẩy giá vàng trên thế giới tăng lên mức cao nhất trong 6 năm qua.

Ông Trump ngay lập tức đăng đàn Twitter tố cáo Trung Quốc đã giảm giá tiền tệ thấp nhất trong lịch sử. Cuối ngày 5/8, lần đầu tiên kể từ năm 1994, Bộ Tài chính Mỹ thông báo chính thức coi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ".

Theo CNN, động thái của Washington không quá khó hiểu. Không như USD hay Euro, NDT không được thả nổi. Hàng ngày, PBOC sẽ thiết lập tỷ giá tham chiếu để quản lý biến động của đồng tiền này. Do đó, việc PBOC hạ giá NDT so với USD sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn khi xuất khẩu sang Mỹ và khiến hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ về đại lục trở nên đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ có thêm lợi thế xuất khẩu, bù đắp các tổn thất vì các đòn thuế của ông Trump.

Động thái diễn ra sau khi ông Trump tuần trước tuyên bố sẽ áp bổ sung 10% thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa Trung Quốc còn lại, trị giá tổng cộng 300 tỷ USD kể từ đầu tháng 9. Khi trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân tỉ giá NDT/USD vượt ngưỡng 7, đại diện PBOC cũng giải thích, điều này bắt nguồn từ "chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ" và việc Washington tăng thuế quan với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quả quyết, chính quyền của ông Trump đã "nhầm lẫn" khi tuyên bố Trung Quốc đang thao túng tiền tệ, ngay cả theo các tiêu chuẩn của các luật thương mại của Mỹ.

Cụ thể, theo quy định lâu nay của Bộ Tài chính Mỹ, một quốc gia bị coi là thao túng tiền tệ nếu hội đủ cả 3 yếu tố: Thứ nhất, quốc gia đó có thặng dư thương mại song phương lớn, ít nhất 40 tỷ USD với Mỹ. Thứ hai, quốc gia này có tổng thặng dư tài khoản vãng lai (tượng trưng cho thương mại xuất nhập khẩu cộng với thu nhập từ du lịch, lợi nhuận thu từ hải ngoại, thanh toán tiền lãi) ít nhất là 2% GDP. Thứ ba, nước này đã liên tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ cho đồng tiền của họ yếu đi cùng với sự tích lũy dự trữ ngoại hối ít nhất 2% GDP trong 6 - 12 tháng trước đó.

Hiện chỉ có tiêu chí đầu tiên trong 3 tiêu chí trên đúng với trường hợp của Trung Quốc. Các số liệu thống kê công bố ngày 12/7 cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2019, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã đạt 140,48 tỷ USD. Song, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc hiện chỉ khoảng 0,4% GDP và nước này cũng không tăng tích trữ ngoại hối trong vài năm trở lại đây. Suốt 2 năm qua, Trung Quốc duy trì dự trữ ngoại hối quanh mức 3.100 tỷ USD, trong khi nếu đáp ứng tiêu chí thứ ba của Bộ Tài chính Mỹ, Bắc Kinh cần tăng mức dự trữ thêm khoảng 288 tỷ USD nữa.

Ngay trong báo cáo hồi tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ từng thừa nhận Trung Quốc chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của nước thao túng tiền tệ.

Ngoài ra, tỷ giá giao dịch NDT trên thị trường không chỉ chịu điều chỉnh từ chính sách tiền tệ của PBOC, mà còn dễ bị ảnh hưởng vì thực trạng kinh tế của Trung Quốc và môi trường bên ngoài. Các nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại, xuất khẩu tổn hại.

Ngược lại, nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh, đạt 3,2% trong quý đầu năm 2019 với tỉ lệ lao động thất nghiệp dao động ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua cùng sự hồi phục phần nào của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay. Điều này khiến đồng USD có căn cứ để vững mạnh so với đồng NDT.

Hơn thế nữa, Trung Quốc dường như hiểu rõ việc để cho tỷ giá NDT suy yếu là con dao hai lưỡi, có thể dẫn đến những rủi ro đối với chính nước này. Hồi giữa năm 2015, một vụ phá giá NDT từng khiến giới đầu tư thoái vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Wang Tao thuộc ngân hàng UBS, NDT trượt giá mạnh cũng có thể khiến Bắc Kinh đối mặt những động thái trừng phạt mới của ông Trump, tạo cú sốc lớn về niềm tin và hoạt động kinh doanh, gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Ở khía cạnh này, NDT giảm giá khó bù đắp được. Đây có thể là lí do PBOC cố gắng bảo vệ ngưỡng tỷ giá NDT/USD là 7 suốt hơn một thập kỷ qua.

Sau sự náo loạn của thị trường một ngày trước đó, hôm 6/8, Trung Quốc đã cho triển khai các bước nhằm hạn chế sự suy yếu của đồng NDT, góp phần ổn định các thị trường tài chính toàn cầu. Cụ thể, PBOC điều chỉnh tỷ giá tham chiếu NDT so với USD và công bố kế hoạch bán ra lượng trái phiếu trị giá 30 tỉ NDT (4,2 tỉ USD) ở Hong Kong vào ngày 14/8 sắp tới. Động thái ngay lập tức làm đồng NDT tăng giá 0,2% và các cổ phiếu cũng rục rịch tăng điểm.

Vì tất cả các lí do trên, Bộ trưởng Mỹ Steven Mnuchin bị cáo buộc đã cố tình phớt lờ các nguyên tắc và thực tế để làm theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, gán mác "thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc. Quyết định có thể mở đường cho chính quyền ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo, ông Trump đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi tấn công Trung Quốc theo hướng này. Nhìn một cách khách quan, các tiêu chuẩn của Mỹ về thao túng tiền tệ được xem là "áp đặt tùy tiện". Không có gì trong kinh tế học buộc Trung Quốc phải cân bằng thương mại hai chiều với Mỹ (nghĩa là xuất khẩu tương đương nhập khẩu, không hơn không kém).

Thực tế, Mỹ đang lâm vào tình trạng thâm hụt với hầu hết các đối tác thương mại lớn của nước này đơn giản vì họ đang tiết kiệm ít hơn so với đầu tư. Chuyên gia phân tích Jeffrey Sachs bình luận, xét về sự hoang phí nguồn lợi, Mỹ chính là "kẻ thù tồi tệ nhất" của chính họ, chứ không phải Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mexico hay Canada. Thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện lên tới khoảng 4% GDP.

Khi Tổng thống Trump châm ngòi thương chiến với Trung Quốc hồi năm ngoái, ông bày tỏ quan điểm trên Twitter rằng "chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng". Song, mọi thứ có vẻ không như dự tính. Cho tới thời điểm hiện tại, lãnh đạo Nhà Trắng vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, trong khi các diễn biến bất lợi từ những đòn thuế của ông đã làm chao đảo các thị trường toàn cầu, làm suy yếu niềm tin kinh doanh và đầu tư xuyên biên giới. Không chỉ Trung Quốc mà cả Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới đang ngấm đòn đau của thương chiến.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, việc giảm giá NDT ám chỉ Trung Quốc không tin có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong tương lai gần, sau hơn một năm đàm phán không đạt kết quả. Động thái đồng thời báo hiệu nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đang hứng chịu tổn thất vì các đòn thuế của ông Trump và rằng, Bắc Kinh sẵn sàng tung "át chủ bài" đấu với Washington nhằm giúp ổn định thương mại cũng như sự tăng trưởng nói chung của nền kinh tế.

Bloomberg trích dẫn một khuyến cáo của nhà phân tích Freya Beamish thuộc Công ty Nghiên cứu thị trường Pantheon Macroeconomics gửi các khách hàng rằng, vũ khí then chốt của Trung Quốc chống Mỹ trong bối cảnh thương chiến leo thang là để mặc NDT rớt giá. Một nguồn thạo tin tiết lộ, Trung Quốc hiện cũng yêu cầu các công ty quốc doanh của nước này dừng việc mua hàng hóa nông sản Mỹ để chờ kết quả đàm phán thương mại. Giá ngô và đậu tương giao sau ở Mỹ ngay lập tức giảm khi có tin này.

"Trung Quốc đang từ bỏ chiến lược ngoại giao mềm mỏng và không muốn tiếp tục làm bao cát cho ông Trump thoải mái nện nữa. Các đe dọa đánh thuế của ông Trump đang phản tác dụng và dẫn tới một cuộc chiến thương mại tổng lực", chuyên gia Chua Hak Bin thuộc Tổ chức nghiên cứu Maybank Kim Eng nhấn mạnh.


Theo vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục