Trung Quốc thúc đẩy ngoại giao vắc xin ở Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đang sử dụng nguồn cung cấp vắc xin của Sinovac Biotech để tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden vào tuần tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói chuyện với giới truyền thông tại Jakarta (Indonesia) hôm thứ Tư (13/1). Nguồn: AP Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói chuyện với giới truyền thông tại Jakarta (Indonesia) hôm thứ Tư (13/1). Nguồn: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hiện đang công du khu vực Đông Nam Á với mục tiêu của việc thúc đẩy vắc xin Covid-19. Ông đã đến thăm Myanmar, Indonesia, Brunei và sẽ kết thúc chuyến công du ở Philippines vào thứ Bảy (16/1).

Tại cuộc họp báo ở Indonesia hôm thứ Tư (13/1), ông Vương cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp vắc xin cho nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng hai quốc gia sẽ vượt qua Covid-19 và đặt nền tảng cho sự phục hồi kinh tế.

Tổng thống Joko Widodo đã tiêm liều vắc xin Sinovac đầu tiên tại phủ tổng thống Indonesia ở Jakarta trong cùng ngày và trở thành người đầu tiên ở nước này được tiêm chủng.

“Tiêm phòng là điều quan trọng để phá vỡ chuỗi lây lan Covid-19 và bảo vệ chúng tôi cũng như sự an toàn cho mọi người Indonesia và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”, Tổng thống Joko Widodo cho biết sau khi tiêm vắc xin.

Indonesia có thỏa thuận nhận khoảng 230 triệu liều vắc xin với Sinovac, Novavax và cơ sở COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chính phủ Indonesia cũng đang đàm phán để đảm bảo 50 triệu liều mỗi loại vắc xin từ AstraZeneca và Pfizer.

Chính phủ Indonesia ước tính sẽ cần khoảng 427 triệu liều cho 270 triệu dân nước này.

Aaron Jed Rabena, nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu về Con đường Tiến bộ châu Á Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila (Philippines) nói với Nikkei Asia: “Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ đi sau các nước ASEAN trong giai đoạn tiêm chủng của đại dịch. Cho đến nay, các quốc gia đã công nhận điều đó. Các dự án đã được xúc tiến với Myanmar và Tổng thống Widodo đã cảm ơn Trung Quốc về vắc xin”.

Ở Myanmar, ông Vương cam kết sẽ cung cấp 300.000 liều vắc xin Sinovac. Vắc xin của Trung Quốc cũng đang thu hút sự chú ý ở các quốc gia khác.

Cuối tháng 12, Singapore trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu tiêm vắc xin cho nhân viên y tế. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã tiêm vắc xin vào ngày 8/1. Chính phủ Singapore có kế hoạch đảm bảo đủ liều vắc xin của Pfizer, Moderna và Sinovac cho 5,7 triệu dân của mình vào cuối tháng 9.

Thái Lan có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vào tháng 2. Chính phủ Thái Lan có kế hoạch đảm bảo 63 triệu liều vắc xin, sẽ bao phủ gần một nửa dân số. Lô vắc xin Sinovac đầu tiên sẽ đến Thái Lan vào ngày 28/2.

Hôm thứ Năm (14/1), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin do Pfizer và BioNTech phát triển, đây là vắc xin lần đầu tiên được phê duyệt tại nước này.

Chính phủ Philippines có kế hoạch đảm bảo khoảng 150 triệu liều và bắt đầu quản lý vắc xin do Sinovac và các công ty khác sản xuất vào cuối tháng 2.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục