Trung Quốc thiết lập 14 khu tập kết nông sản, lương thực nhập từ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc đã thiết lập 14 khu tập kết trái cây và lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Trung Quốc đã thiết lập 10 khu tập kết trái cây, 4 khu tập kết lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản Việt Nam sang. Trung Quốc đã thiết lập 10 khu tập kết trái cây, 4 khu tập kết lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản Việt Nam sang.

Trong cuộc điện đàm mới đây với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết: Với nhu cầu tiêu dùng nông thủy sản tại thị trường trong nước rất lớn, Trung Quốc rất khuyến khích và sẵn sàng tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản chất lượng cao của Việt Nam.

Cụ thể, để tạo thuận lợi cho quá trình thông quan hàng nông thủy sản của Việt Nam, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu của Trung Quốc đã đơn giản hóa quy trình thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra đối với các loại trái cây rủi ro thấp trong 09 loại trái cây Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

"Phía Trung Quốc cũng đã thiết lập 10 khu tập kết trái cây, 04 khu tập kết lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản đang trong thời kỳ cao điểm thu hoạch của Việt Nam", Bộ trưởng Vương Văn Đào cho hay.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều hàng hóa nông sản Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2021, dù chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, nhưng xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng 26% so với cùng kỳ, đạt giá trị 20,1 tỷ USD.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu hàng hóa 5 tháng qua có tác động không nhỏ từ việc trao đổi giữa 2 quốc gia nhằm tạo thuận lơi thương mại.

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), trong chuyến thị sát cửa khẩu biên giới Việt – Trung tháng 3 năm 2021 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương biên giới phía Trung Quốc tạo thuận lợi tối đa cho thông quan hàng hóa theo đề nghị của phía Việt Nam.

Phản hồi đề nghị miễn kiểm tra, xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 đối với nông thủy sản đông lạnh được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trước đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khẳng định biện pháp này được áp dụng chung cho tất cả các nước, chỉ nhằm mục đích phòng chống dịch bệnh và sẽ được điều chỉnh theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 cụ thể tại mỗi nước.

Tính đến hết ngày 02/6/2021, theo số liệu do các Sở Công Thương địa phương cung cấp, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 10.068 tấn vải (trong đó xuất khẩu của Bắc Giang đạt 6.145 tấn, Hải Dương đạt 3.961 tấn).

Thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,82% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 48,90 tỷ USD, tăng 17,95%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,18 tỷ USD, tăng 11,55%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

4 tháng đầu năm 2021, thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 63,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%, nhập khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục