Theo Xinhua, đầu năm nay, kinh tế ban đêm đã trở thành một chủ đề nóng tại phiên họp của các cơ quan lập pháp và tư vấn chính trị Bắc Kinh sau khi Thị trưởng Trần Cát Ninh thông báo, thành phố này sẽ khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm.
"Kinh tế ban đêm là các hoạt động kinh doanh từ 18h đến 6h trong lĩnh vực dịch vụ", Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Bắc Kinh giải thích. Ông cho rằng, kinh tế ban đêm có thể giúp kéo dài giờ làm việc, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng, tăng thêm việc làm, cũng như dịch vụ, tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, so với các thành phố ở phía Nam và phía Đông Trung Quốc, người Bắc Kinh có ít địa điểm mua sắm, giải trí vào ban đêm vì đa phần dừng hoạt động sau 22h. "Tôi thường làm việc quá giờ nên chỉ rảnh rỗi vào ban đêm" Feng Xue – một nhân viên kế toán ở Bắc Kinh chia sẻ.
Do đó, cô mong có nhiều nhà hàng và trung tâm thương mại hoạt động vào ban đêm hơn. Đây cũng là mong muốn của nhiều thanh niên ở Bắc Kinh - nơi có nhiều người già và trung niên thành phố khác tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây, Bắc Kinh là thành phố đi đầu trong việc "thắp sáng" kinh tế ban đêm bằng nhiều biện pháp như tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh...
Lãnh đạo Văn phòng Thương mại Bắc Kinh cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2022, hơn một nửa số cửa hàng tiện lợi tại Bắc Kinh sẽ hoạt động 24 giờ. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng ở Bắc Kinh bắt đầu cũng kéo dài thời gian mở cửa thêm vài tiếng.
Từ 19/7, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian chạy hai tuyến tàu điện ngầm số 1,2 vào thứ 6 và thứ 7, trong đó chuyến cuối cùng khởi hành sau 12 giờ đêm.
Đồng thời, quận Thông Châu (Bắc Kinh) sẽ phát triển các căng tin mở muộn dọc theo các tuyến tàu điện ngầm quan trọng và khuyến khích các cửa hàng tiện lợi hoạt động 24 giờ.
Bắc Kinh đã nhận thấy một thị trường tiềm năng lớn cho chi tiêu ban đêm. Theo số liệu của hãng đi chung xe Didi Chuxing năm ngoái, lượng hành khách tại Bắc Kinh di chuyển nhiều nhất vào khung giờ 22h đến 6h.
Còn hãng giao đồ ăn Ele.me thống kê năm 2017, Bắc Kinh đứng thứ 6 trong danh sách 10 thành phố đặt đồ ăn đêm nhiều nhất thế giới.
Học viện Du lịch Trung Quốc (CTA) cũng báo cáo, tiêu dùng ban đêm năm 2018 tăng 47% so với năm trước đó, con số này cũng cao hơn tiêu dùng ban ngày 2%. Trong đó, giới trẻ là những người đóng góp lớn nhất cho tiêu dùng ban đêm.
Không chỉ Bắc Kinh, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có kế hoạch đẩy mạnh kinh tế ban đêm như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc... Hồi tháng 5, Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy kinh tế ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h đến 6h.
Thanh niên ăn uống trước một cửa hàng tiện lợi ở Tân Cương - khu vực bắt đầu đẩy mạnh kinh tế ban đêm từ tháng 7. Ảnh: Xinhua
Theo Xinhua, thành phố này đã đề cử hơn 10 "CEO về đêm" – những người có kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp hoạt động về đêm như một cách để hỗ trợ điều phối kinh tế ban đêm của Thượng Hải.
Nền tảng siêu thị jddj.com có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, doanh số của hãng trên toàn quốc về đêm tăng 65% trong đợt khuyến mại gần nhất. Thậm chí, doanh số tại các thành phố nhỏ còn tăng trưởng nhanh hơn các thành phố lớn, ví dụ Trùng Khánh là 78% ở mùa hè này.
Mới đây, Thượng Hải cũng khai trương rạp chiếu phim 24 giờ đầu tiên. Bảo tàng Thượng Hải cũng tổ chức hai sự kiện để hưởng ứng chính sách phát triển kinh tế ban đêm của thành phố. "2.000 vé cho mỗi đêm sự kiện được bán hết chỉ trong 15 phút", một nhân viên bảo tàng với nói Global Times.
Liu Renjun – chủ một chuỗi nhà hàng tại Hồ Nam đã kéo dài thời gian mở cửa từ 1h đến 2h30 cho biết, tổng doanh thu từ đạt 6 triệu NDT (hơn 870.000 USD) tháng trước, tăng 13-14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thiên Tân cũng lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italy, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí.
Thạch Gia Trang – thủ phủ của tỉnh Hà Bắc đã giảm giá điện khoảng 0,2 NDT mỗi kWh cho các cửa hàng hoạt động muộn hơn.
Động thái này góp phần giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện.
Theo một khảo sát của CTA, cộng đồng doanh nghiệp rất lạc quan về tiềm năng của thị trường tiêu dùng ban đêm. Khoảng 60% các công ty du lịch trả lời khảo sát rằng, sẽ tăng 10-20% quy mô thị trường tour du lịch ban đêm và hơn 80% đơn vị sẽ đầu tư vào lĩnh vực này.
Giới quan sát nhận định, phát triển kinh tế ban đêm là một trong những cách để Bắc Kinh kích thích tiêu dùng nội địa trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm lại và phải đối mặt với ngày càng nhiều áp lực.
"Với tình hình khó khăn do cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự dịch chuyển của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế ban đêm là một phương pháp kích thích tiêu dùng toàn diện, giảm bớt áp lực kinh tế", Zhao Jingqiao – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế dịch vụ và ăn uống (thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay).
He Jianmin – nhà nghiên cứu tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải thì cho rằng, kinh tế ban đêm có thể kéo dài thời gian khách du lịch ở lại các thành phố, thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khi phát triển kinh tế ban đêm.
Zhao Jingqiao nhận định, kích thích phát triển kinh tế ban đêm là một chính sách rất tổng thể, đòi hỏi việc lên kế hoạch cẩn thận và sắp xếp toàn diện. "Một môi trường an ninh tốt rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, đặc biệt với kinh tế ban đêm", ông nói.
Theo nhà nghiên cứu Zhao Ping thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, để tạo thuận lợi cho kinh tế ban đêm hơn, chuỗi cung ứng nên được cải thiện để phục vụ các dịch vụ đa dạng, không chỉ có mua sắm và ăn uống.
Ông đề xuất, chính quyền địa phương cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và tăng cường giám sát về an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.