Wu Qing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết, các cơ quan quản lý đã nỗ lực khôi phục niềm tin kể từ cuối tháng 9, khi các nhà chức trách triển khai một loạt các biện pháp kích thích.
Ông cho biết, các biện pháp đó hỗ trợ mục tiêu chính của các nhà chức trách là đưa Trung Quốc trở thành "cường quốc tài chính" và tạo ra các cơ hội tài trợ trên thị trường vốn cho các công ty có công nghệ tiên tiến.
"Trong thế giới ngày nay, tài chính là chiến trường của các cường quốc", ông cho biết.
Chỉ số chứng khoán CSI300 của Trung Quốc đã tăng hơn 20% kể từ khi Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa vào cuối tháng 9/2024, mặc dù thị trường đã mất hơn một nửa mức tăng ban đầu.
"Điều quan trọng là phải nhận thức được những tác động bên ngoài tiềm ẩn và phối hợp kịp thời với các bên liên quan để ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, do đó tránh được những cú sốc lớn đối với thị trường", ông cho biết.
Trong đó, mục tiêu của ủy ban là "thúc đẩy sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán bằng cách tăng cường tính ổn định, tính liên tục và khả năng dự đoán của hệ thống tài chính" và sẽ hợp tác với ngân hàng trung ương để tận dụng tốt hơn các công cụ chính sách tiền tệ mang tính cấu trúc và cải thiện các chính sách nhằm ổn định thị trường và kích thích nền kinh tế.
Uỷ ban cho biết mặc dù quy mô của thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc và số lượng các công ty niêm yết là rất lớn, nhưng vẫn không có đủ hỗ trợ tài chính cho đổi mới.
“Mặc dù tổng số công ty niêm yết tại Trung Quốc là đáng kể, nhưng cơ cấu vẫn chưa hợp lý. Các công ty niêm yết hàng đầu vẫn thiếu hàm lượng công nghệ cao và thị trường chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp”, ông cho biết.
Trung Quốc từ lâu đã xác định đổi mới công nghệ và phát triển chất lượng cao là động lực chính trong chiến lược tăng trưởng của mình nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên chuỗi giá trị toàn cầu.