
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) thông báo các nhà sản xuất ô tô sẽ không còn được phép sử dụng các cụm từ như “tự lái” (autonomous driving) hay “lái thông minh” (smart driving) trong các tài liệu quảng cáo, tiếp thị sản phẩm. Thay vào đó, họ bắt buộc phải chỉ rõ cấp độ hỗ trợ lái theo thang phân loại 6 cấp của Hiệp hội Kỹ sư Ôtô (SAE), từ Cấp độ 0 (không có hỗ trợ) đến Cấp độ 5 (tự lái hoàn toàn).
Hiện tại, gần như tất cả các dòng xe đang bán trên thị trường, bao gồm cả Tesla với tính năng Full Self-Driving, đều chỉ ở Cấp độ 2. Chỉ có Mercedes-Benz là hãng hiếm hoi có hệ thống đạt Cấp độ 3 ở một số thị trường.
Ngoài việc cấm sử dụng ngôn ngữ dễ gây hiểu lầm, MIIT cũng cấm các hãng triển khai thử nghiệm các tính năng lái tự động mới dưới dạng phần mềm beta qua mạng (OTA). Việc cập nhật phần mềm từ xa giờ đây bị giới hạn chặt chẽ, chỉ những bản cập nhật được cấp phép mới được thực hiện. Các bản vá khẩn cấp thậm chí phải thông qua thủ tục triệu hồi và được cơ quan chức năng phê duyệt.
Những tính năng điều khiển xe từ xa như “Smart Summon” - cho phép xe tự lái đến vị trí người dùng mà không cần người điều khiển - cũng bị cấm hoàn toàn tại Trung Quốc. Theo MIIT, các công nghệ vận hành xe không có giám sát trực tiếp từ tài xế tiềm ẩn nhiều rủi ro mất kiểm soát.
Hệ thống giám sát người lái trên xe cũng phải được duy trì liên tục và không thể tắt. Nếu phát hiện tài xế rời tay khỏi vô lăng quá 60 giây, xe buộc phải tự động giảm tốc, bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc dừng lại an toàn bên lề.
Các quy định mới được đưa ra chỉ vài tuần sau vụ tai nạn nghiêm trọng tại tỉnh An Huy khiến ba người tử vong. Chiếc xe điện Xiaomi SU7 gặp nạn khi đang vận hành ở chế độ lái hỗ trợ và người dùng vừa giành lại quyền điều khiển trước khi mất lái.
Tai nạn này làm dấy lên làn sóng tranh cãi về mức độ an toàn và cách các nhà sản xuất quảng bá công nghệ “tự lái”. Trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đang chạy đua phát triển các hệ thống ADAS (hỗ trợ lái nâng cao) để thu hút khách hàng, MIIT cho rằng việc đảm bảo minh bạch và tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.