Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) đã kết thúc phiên đấu giá băng tần 5G với các điều khoản bổ sung, trong đó yêu cầu các nhà khai thác viễn thông không sử dụng thiết bị của các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei và ZTE trong việc xây dựng mạng 5G.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/1, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) Cao Phong cho biết: “Không có bất kỳ bằng chứng nào để Thụy Điển loại các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi hoạt động xây dựng mạng 5G của mình với lý do gọi là an ninh quốc gia.”
Ông Cao Phong nhấn mạnh: “Động thái này vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quy tắc quốc tế, đồng thời gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc."
Người phát ngôn trên cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tháng 10/2020, PTS thông báo các công ty tham gia cuộc đấu giá phải loại bỏ các thiết bị của Huawei và ZTE khỏi bộ tính năng trung tâm hiện tại trước ngày 1/1/2025.
PTS định nghĩa bộ tính năng trung tâm là các thiết bị sử dụng trong xây dựng mạng lưới truy cập sóng vô tuyến, mạng lưới truyền phát, mạng lõi, cũng như dịch vụ và khả năng bảo trì của mạng. Cơ quan này khẳng định việc xây dựng các điều kiện cấp phép đều dựa trên các đánh giá của Lực lượng vũ trang và Cơ quan An ninh Thụy Điển.
Chính phủ các nước châu Âu đang xem xét vai trò của các công ty Trung Quốc trong việc xây dựng không gian mạng, trong bối cảnh Mỹ lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa an ninh.
Đầu tháng 7 năm ngoái, Vương quốc Anh đã cấm Huawei tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của nước này, theo đó yêu cầu các công ty trong nước ngừng mua thiết bị 5G mới từ Huawei từ năm 2021 và loại bỏ các thiết bị Huawei hiện đang được sử dụng vào cuối năm 2027.
Các quốc gia khác bao gồm Australia, New Zealand và Ấn Độ cũng đã tỏ rõ quan điểm cứng rắn đối với Huawei, trong khi Pháp và Italy đã tuyên bố giới hạn sử dụng đối với thiết bị mạng 5G của tập đoàn Huawei.