Mỹ hoàn thành kế hoạch đảm bảo an ninh cho cơ sở hạ tầng 5G

0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch này nhằm đảm bảo một cơ sở hạ tầng 5G an toàn và đáng tin cậy, trong đó Mỹ sẽ dẫn đầu trong việc phát triển, triển khai và quản lý cơ sở hạ tầng với sự hợp tác cùng các đối tác quốc tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty). Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty).

Ngày 15/1, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien thông báo chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoàn thành chiến lược đảm bảo an ninh cơ sở hạ tầng 5G.

Trong một thông báo, ông O'Brien cho biết Nhà Trắng sẽ công bố việc hoàn tất triển khai kế hoạch liên quan đến chiến lược quốc gia về bảo mật mạng 5G. Ông nhấn mạnh kế hoạch được phê duyệt này là đỉnh cao của một quá trình phát triển với sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.

Theo ông O'Brien, kế hoạch này nhằm đảm bảo một cơ sở hạ tầng 5G an toàn và đáng tin cậy, trong đó Mỹ sẽ dẫn đầu trong việc phát triển, triển khai và quản lý cơ sở hạ tầng với sự hợp tác cùng các đối tác quốc tế.

Theo hãng nghiên cứu OpenSignal, Mỹ hiện xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng 12 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ trung bình của mạng 5G.

Theo đó, người dùng Mỹ được hưởng tốc độ tải xuống trung bình 50,9 megabit/s (Mbps), chỉ nhanh gấp đôi mạng 4G LTE cũ. Với tốc độ này, họ cần hơn 5 phút để tải xong một bộ phim HD.

Saudi Arabia có tốc độ 5G trung bình nhanh nhất, đạt 414,2 Mbps, nhanh gấp 14 lần tốc độ 4G trung bình trong nước. Thời gian tải phim HD chỉ trong 41 giây. Xếp vị trí thứ hai là Hàn Quốc (312,7 Mbps), rồi đến Australia (215,7 Mbps).

Các nhà mạng trên khắp thế giới đang chi hàng chục tỷ USD để nâng cấp mạng lên 5G, hứa hẹn cho tốc độ tải xuống nhanh gấp 10 tới 100 lần 4G.

Tuy nhiên, công nghệ vẫn chưa hoàn thiện và chưa được triển khai rộng rãi tại mọi quốc gia. Kết quả là trải nghiệm không được đánh giá cao, kể cả khi khách hàng đã mua điện thoại 5G.

Nguyên nhân chính khiến Mỹ chậm chân hơn các nước còn lại về tốc độ là loại băng tần mà nhà mạng đang dùng cho 5G. Tại hầu hết các nước khác, nhà mạng dùng băng tần 3.5GHz, cân bằng giữa tốc độ và phủ sóng, nhưng chưa có sẵn tại Mỹ.

Những lợi ích của mạng 5G đang ngày càng được khẳng định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành nhiều nước.

Làm việc từ xa, hội nghị trực tuyến và hợp tác trên các nền tảng kỹ thuật số trở thành những yếu tố cốt lõi trong cuộc sống năm 2020. Do vậy, nhu cầu về một kết nối đáng tin cậy và băng thông rộng mới trở thành một lợi ích chung đối với nhiều người.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục