Trung Quốc phản đối Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài khóa 2020 của Mỹ

(ĐTCK) Tại buổi họp báo chiều ngày 26/12, Cao Phong, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, chính quyền Bắc Kinh, nhận thấy, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020 được chính quyền Washington phê chuẩn gần đây sẽ hạn chế quyền của các công ty Trung Quốc và Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ đạo luật này.
Lầu Năm Góc - nơi tiếp nhận phần lớn khoản ngân sách 738 tỷ USD theo Đạo luật NDAA. Lầu Năm Góc - nơi tiếp nhận phần lớn khoản ngân sách 738 tỷ USD theo Đạo luật NDAA.

"Chúng tôi nhận thấy, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020 đã được thông qua có chứa nhiều mục vi phạm lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với vấn đề này", đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh tại cuộc họp báo diễn ra ở Bắc Kinh.

“Chúng tôi tin rằng, văn kiện này sẽ kiềm chế việc mua sắm các sản phẩm Trung Quốc và thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc. Do đó, phía Mỹ dang can thiệp thô bạo vào các hoạt động thương mại của các doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Cao tiếp tục.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Washington vì thế đang vi phạm các quy tắc thương mại tự do công bằng, làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Chúng tôi yêu cầu Mỹ thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc thị trường, ngừng sử dụng các biện pháp dựa trên định kiến và khái niệm về "chiến tranh lạnh", từ bỏ các hành động sai lầm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc được hoạt động bình thường", ông Cao kết luận.

Vào ngày 20 tháng 12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký dự luật NDAA về ngân sách quân sự cho năm tài khóa 2020.

NDAA 2020 tăng chi tiêu quân sự với khoản ngân sách khổng lồ 738 tỷ USD, yêu cầu báo cáo về năng lực quân sự của Bắc Kinh, đầu tư của Trung Quốc tại khu vực Bắc cực cũng như nỗ lực của Bắc Kinh trong việc can thiệp cuộc bầu cử tháng tới tại Đài Loan.

Bên cạnh đó, đạo luật còn thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hồng Kông và ngoài ra, còn chứa các đoạn liên quan đến lĩnh vực thương mại mà theo ý kiến của phía Bắc Kinh là "xâm phạm quyền của các doanh nghiệp Trung Quốc".

Quỳnh Lê
Theo TASS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục