Trung Quốc - Nhật Bản đua đầu tư cơ sơ hạ tầng tại châu Á

(ĐTCK) Cuối tháng này, Chính phủ Nhật Bản và Philippines sẽ ký thỏa thuận cho vay trị giá 2 tỷ USD nhằm phục vụ cho một dự án đường sắt. 
Châu Á cần những khoản tiền khổng lồ phục vụ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng

Thỏa thuận này đánh dấu khoản chi lớn nhất giữa hai quốc gia, đồng thời, quan trọng hơn, nó trở thành “vụ nổ” mới nhất trong cuộc “chạy đua” xây dựng cở sở hạ tầng tại châu Á.

Nhà kinh tế trưởng Shang-Jin Wei của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Manila cho biết: “Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại châu Á cần những khoản tiền khổng lồ, ước tính vào khoảng 8 nghìn tỷ USD. Tất cả các nhà băng cùng góp sức vào cũng chỉ có thể hỗ trợ được phần nào”.

Chẳng hạn, đối với Indonesia, quốc gia này cần 5.519,4 nghìn tỷ rupiah (409 tỷ USD) trong 5 năm tới để phục vụ cho nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, theo số liệu mà Bộ trưởng Bộ kế hoạch Indonesia Andrinof Chaniago cho biết vào tháng 10/2014. Hiện tại, Indonesia đang có nhiều kế hoạch đầu tư, bao gồm xây dựng mới 30 con đập, 33 nhà máy thủy điện, nhà máy lọc dầu công suất 300.000 thùng/ngày, 15 sân bay, 24 bến cảnh mới…

Tại Việt Nam, Chính phủ muốn nâng cao số km đường cao tốc lên 2.000 km cho tới năm 2020, từ 700 km hiện tại. Trong tháng 10, Việt Nam đã bắt đầu dự án trị giá 69,5 triệu USD, xây dựng con đường nối TP. HCM và các khu vực kinh tế lân cận.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong tháng 11/2015 sẽ đưa ra quyết định liệu có chấp thuận 4 dự án cơ sở hạ tầng trị giá 170 tỷ pesos (3,6 tỷ USD), bao gồm việc nâng cấp sân bay Manila, xây dựng 2 con đường tại thủ đô và hệ thống ống dấn khí đốt.

Nhu cầu tài chính lớn để phục vụ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đồng nghĩa với việc chính phủ các quốc gia châu Á phải nỗ lực tìm kiếm sự trợ giúp từ các nước lớn trong khu vực, mở ra sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

 “Trung Quốc và Nhật Bản có vẻ như đang có các chiến dịch vận động hành lang để dành được tấm vé tham gia vào các thương vụ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là một xu hướng lành mạnh và tất nhiên vẫn có những cảnh cửa mở ra đối với các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức”, Ben Simpfendorfer, người sáng lập hãng nghiên cứu Silk Road Associates tại Hong Kong cho biết. Đây là hãng tư vấn nổi tiếng đối với các công ty đa quốc gia có chiến lược mở rộng đầu tư vào châu Á và Trung Đông.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập. Các quan chức Bắc Kinh cũng thiết lập quỹ trị giá 40 tỷ USD để đại tu lại các con đường và cầu bị hư hỏng trên Con đường Tơ lụa, chuyến đường buôn bán truyền thống nổi tiếng. Bên cạnh dó, Trung Quốc cũng góp mặt vào BRICS Bank, ngân hàng do các quốc gia mới nổi thành lập.

Những động thái trên của Trung Quốc trong việc tham gia vào các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đã khiến Chính phủ Nhật Bản không thể chậm trễ hành động. Trong tháng 10/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm tới 5 nước Trung Á, với sự tháp tùng của các chuyên gia và những người đứng đầu về xây dựng và thiết kế.

Trong năm 2013, ông Abe cũng từng cam kết mở rộng xuất khẩu cơ sở hạ tầng từ 10 nghìn tỷ yên khi đó lên 30 nghìn tỷ yên (248 tỷ USD) cho tới năm 2020.

“Châu Á đang bước vào cuộc đua đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Điều bí ẩn nhất chưa được biết tới là yếu tố chính trị đóng vai trò lớn như thế nào đối với chiếc vé tham gia vào các thỏa thuận đầu tư lớn”, Simpfendorfer cho biết.

Trung Quốc và Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng trong bối cảnh các nhà băng tập trung cho vay vào lĩnh vực này, bao gồm cả ADB, cũng đang xem xét thúc đẩy hoạt động cho vay thường niên và các khoản trợ cấp lên 50%. Ngân hàng thế giới trong tháng 5 cũng cho biết, khoản hỗ trợ tài chính trị giá 11 tỷ USD cho Indonesia chính là cam kết hỗ trợ tài chính lớn nhất trong lịch sử.

Ngay cả tại các quốc gia cho vay là Trung Quốc, chính phủ 2 nước đều cam kết dành hàng trăm triệu USD cho việc nâng cấp và xây mới hệ thống đường xá, cảng biển và đường sắt. Quá trình thay đổi này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới kích thích sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có mức tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm qua.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục