Hiện nay, xuất khẩu hải sản của Nhật Bản đang có xu hướng tăng vọt, trong bối cảnh những công ty như Yamato Holdings Co. và ANA Holdings Inc. đang mở rộng mạng lưới phân phối trên toàn châu Á, khu vực vốn vẫn tiêu thụ phần lớn cá hồi từ Na Uy, cách xa hơn 8.000 km.
Xuất khẩu đem lại cho ngành khai thác hải sản của Nhật Bản 1.400 tỷ yên (11,6 tỷ USD) mỗi năm, cho dù số ngư dân trong nước đã giảm tới 42% kể từ năm 1995 trước sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm hải sản nhập khẩu có giá rẻ hơn. Trong khi nhu cầu nội địa giảm trên 20% trong thập kỷ qua, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nổi lên là động lực tăng trưởng chính đối với lĩnh vực truyền thống lâu đời này của đất nước Mặt Trời mọc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản, xuất khẩu hải sản của nước này trong nửa đầu năm 2015 tăng khoảng 30%, đạt 293.806 tấn, tăng so với mức 232.424 tấn cùng kỳ năm 2014, qua đó hỗ trợ đáng kể cho mục tiêu thúc đẩy doanh số bán hải sản ra thị trường nước ngoài của Thủ tướng Shinzo Abe. Các loại hải sản được tiêu thụ nhiều là sò và cá ngừ để chế biến sushi. Xuất khẩu hải sản đang chứng minh sự tăng trưởng mạnh mẽ khi xuất khẩu ôtô, máy móc và thiết bị điện tử chưa thể phục hồi so với mức đỉnh năm 2007.
“Chúng tôi có thể chào bán số cá mà chúng tôi đánh bắt được buổi sáng ngay trong chiều cùng ngày. Đó là mục tiêu bán hàng của của chúng tôi. Nếu đánh bắt được nhiều hơn, chúng tôi có thể bán ra thị trường nước ngoài. Đó sẽ là điều tuyệt vời”, Shigeru Koike, một ngư dân 72 tuổi tại cảng Inatori cách thủ đô Tokyo 150 km cho biết.
Trên thực tế, đồng yên yếu giữ vai trò khá lớn, khiến các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản trở nên rẻ hơn so với một số nhà nhập khẩu. Đồng nội tệ của Nhật đã giảm giá 11% so với USD trong năm qua, và cũng giảm giá ở mức tương đương so với một số quốc gia lân cận, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ hay vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tại thị trường nội địa Nhật Bản, lượng tiêu thụ cá trên đầu người trong năm tài khóa 2014 (tính tới tháng 3/2014) giảm xuống mức 27 kg, so với mức đỉnh trung bình 40,2 kg kéo dài hàng chục năm trước đó. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thịt lần đầu tiên vượt cá trong năm 2006 và hiện Nhật Bản đã trở thành nhà nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới.
Dù Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) ước tính, Nhật Bản vẫn nhập lượng cá trị giá 15,3 tỷ USD từ nước ngoài trong năm 2013, song con số đó đã giảm từ mức 18 tỷ USD của năm trước đó. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cá toàn cầu đã tăng lên mức trung bình 19 kg/người trong năm 2012, so với mức 9,9 kg giai đoạn năm 1960 của thế kỷ trước. Ngân hàng Thế giới ước tính, nhu cầu tiêu thụ cá sẽ tăng lên 151,8 triệu tấn vào năm 2030 so với mức 111,7 triệu tấn năm năm 2006.
Để khai thác tiềm năng tiêu thụ hải sản trên toàn cầu, trong đó có thị trường Trung Quốc, các công ty vận chuyển và giao nhận hàng hóa lớn nhất Nhật Bản đã nhanh chóng sử dụng xe tải đông lạnh để vận chuyển cá từ cảng tới sân bay.
Các nền kinh tế đang nổi cũng là những khách hàng mua các loại hải sản giá trị cao từ Nhật Bản. Cá hồi hiện chiếm khoảng 14% giao dịch và là mặt hàng phổ biến nhất trong chế biến sushi của khách hàng châu Á bên ngoài Nhật Bản.
Không giống như Na Uy, chỉ tập trung vào cá hồi, ngư dân Nhật Bản có thể cung cấp khoảng 350 loại cá khác nhau để chế biến sushi, Nobuhiro Nagaya, Giám đốc điều hành Hiệp hội các liên đoàn ngư nghiệp Nhật Bản cho biết.
“Trước đây, rất khó để xuất khẩu cá tươi tới thị trường Đông Nam Á mà không bị giảm bớt chất lượng, tuy nhiên hiện tại đã bớt khó khăn hơn. Cá cam của Nhật Bản cũng có độ béo tương tự cá hồi Na Uy. Nếu khách hàng Đông Nam Á ăn thử, chắc chắn họ cũng sẽ yêu thích chúng”, Nobuhiro cho biết.