Trung Quốc “ném phao” cho các nhà phát triển bất động sản

(ĐTCK) Các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc vừa được giới chức nước này thả “phao” cứu trợ trước mối nguy cơ chìm trong biển nợ.

Theo số liệu mới được công bố cuối tuần trước, doanh số bán nhà mới, bao gồm cả nhà ở cho người thu nhập trung bình của Trung Quốc, đã giảm 3,4% trong tháng 10 so với cùng thời gian năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong gần 3 năm qua. Nguyên nhân là do Bắc Kinh đang thực hiện nhiều chính sách nhằm kiềm chế sự phát triển quá nóng của giá nhà, cũng như tình trạng đầu cơ phổ biến tại thị trường bất động sản.

Giá trị trái phiếu bằng đồng USD của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tăng gấp 3, trong khi trái phiếu tại thị trường nội địa giảm mạnh 
Dù thị trường đang dần hạ nhiệt, các nhà phát triển bất động sản vẫn phải đối diện với nhiều chính sách hạn chế việc vay mượn tại thị trường trái phiếu nội địa, gia tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, mối lo trước mắt của các doanh nghiệp này là khoảng 30 tỷ USD trái phiếu đã phát hành sẽ đến hạn trong năm 2018.

Trong bối cảnh này, việc chính quyền Đại lục nới lỏng quy định về tìm nguồn vốn tại thị trường nước ngoài đã trở thành phao cứu sinh cho các nhà phát triển bất động sản.

Nếu như năm ngoái, trái phiếu nội địa chiếm tới 60% giá trị trái phiếu phát hành, thì kể từ đầu năm 2017 tới nay, các trái phiếu phát hành tại thị trường nước ngoài đã tăng gần gấp 3 lần. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi mới đây, Uỷ ban Phát triển và Cái cách quốc gia Trung Quốc cho biết, sẵn sàng chấp nhận nâng mức hạn ngạch cho các trái phiếu tại thị trường quốc tế. Theo nguồn tin của Bloomberg, đã có 8 nhà phát triển bất động sản Đại lục được cấp thêm hạn ngạch hoặc chuẩn bị được ủy ban này chấp thuận hạn mức mới.

Trong số đó, có một số cái tên đáng chú ý như Xinyuan Real Estate Co chuẩn bị chào bán trái phiếu kỳ hạn 3 năm bằng đồng USD, China South City Holdings Ltd và Guangzhou R&F Properties Co sẽ phát hành trái phiếu bằng đồng USD trong tuần này, trong khi Oceanwide Holdings Co đã tiến hành gặp gỡ các nhà đầu tư quan tâm tới trái phiếu bằng đồng USD của doanh nghiệp này.

Thực tế, do những khó khăn về tài chính, cũng như việc bị hạn chế tại thị trường trái phiếu nội địa, các nhà phát triển bất động sản đã lựa chọn tìm vốn tại thị trường tín dụng ngầm. Christopher Yip, chiến lược gia bất động sản tại S&P Global Ratings cho biết, do nhu cầu tăng cao, lãi suất vay tín chấp tại thị trường tín dụng ngầm Trung Quốc đã tăng lên mức 9 – 10%, so với mức 6% năm 2016.

Đối với các nhà phát triển chỉ dựa vào thị trường trái phiếu nội địa, mức lãi suất trung bình cũng đã tăng lên 5,6% trong quý III, cao hơn 1,6% so với quý I, theo số liệu của Bloomberg.

Mặc dù các khoản nợ ngày càng tăng lên, nhưng Pang Ling, chiến lược gia bất động sản tại China Real Estate Information Corp cho rằng, tình trạng của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc chưa đến mức quá đáng ngại. Theo đó, nhờ doanh số bán hàng khủng trong nhiều năm trước đây, các doanh nghiệp này sở hữu lượng tiền mặt đủ lớn để đảm bảo thanh khoản trong ngắn hạn. Do đó, chỉ có các nhà phát triển bất động sản nhỏ đối diện nguy cơ sớm phải rời cuộc chơi.

Các doanh nghiệp phát triển bất động sản đã niêm yết tại Đại lục sở hữu lượng tiền mặt và tương đương tiền ở mức 1,46 nghìn tỷ nhân dân tệ (220 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2017, gấp gần 3 lần so với cách đây 3 năm, theo số liệu của Bloomberg.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục