Trung Quốc mở cửa trở lại đi kèm với “quả bom lạm phát” trị giá 720 tỷ USD

(ĐTCK) "Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây áp lực lạm phát lên nhiều người trong chúng ta", Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định. 

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, Trung Quốc đã không cung cấp các khoản tiền cho người dân theo cách mà Hoa Kỳ và phần lớn các nước phát triển khác đã làm để giúp đỡ người dân ứng phó với tình trạng phong tỏa. Thay vào đó, Bắc Kinh ưu tiên tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp .

Điều này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ giúp quốc gia này không trải qua những gì đã xảy ra ở Hoa Kỳ, nơi viện trợ liên bang tuôn ra đã giúp hàng chục triệu người Mỹ thoát nghèo, nhưng cũng giúp tích lũy thêm hơn 2.000 tỷ đô la tiết kiệm hộ gia đình, làm tăng thêm áp lực lạm phát .

Mặc dù điều này có vẻ tốt cho Trung Quốc, nhưng các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Inc. lại có nhận định thận trọng. Nghiên cứu dữ liệu tài khoản ngân hàng và thu nhập của Trung Quốc, họ tính toán rằng các hộ gia đình Trung Quốc thực sự đã tích lũy được khoản tiết kiệm vượt mức, lên tới 720 tỷ đô la.

Các hộ gia đình Trung Quốc có thể không được hưởng lợi từ loại hỗ trợ thất nghiệp do đại dịch hoặc cứu trợ như ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, nhưng họ đã tăng cường tiết kiệm phòng ngừa. Người dân tiết kiệm bởi lo ngại về sự sụt giảm giá trị tài sản ở Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên gia tăng.

Tại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tăng trong năm ngoái ngay cả khi đối mặt với chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất, một phần nhờ vào việc tiết kiệm nhiều hơn. Ngược lại, ở Trung Quốc, việc mở cửa lại nền kinh tế diễn ra vào thời điểm ngân hàng trung ương của nước này đang ở chế độ nới lỏng tiền tệ — có khả năng khiến tình trạng lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn.

Sự tăng trưởng trong tiết kiệm tiền gửi ở Trung Quốc qua các năm

Có khả năng sẽ có hai dạng cú sốc lạm phát mà Trung Quốc sẽ giáng xuống phần còn lại của thế giới trong năm nay. Đầu tiên sẽ có tác động tiêu cực đến nguồn cung do các nhà máy phải vật lộn để duy trì hoạt động khi công nhân bị ốm ở nhà.

Sau đó là cú sốc về nhu cầu, khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chi tiêu trở lại, đẩy giá hàng hóa lên cao. Chi tiêu yếu hơn ở Mỹ đã giúp giảm chi phí hàng hóa trong thời gian gần đây, nhưng đến một lúc nào đó, hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ làm tăng áp lực về giá.

Và đừng quên nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc, nổi bật nhất là ở dạng du lịch.

“Sau 3 năm bị cô lập, nhu cầu đi du lịch nước ngoài đang bị dồn nén. Chúng tôi hy vọng du lịch nước ngoài sẽ phục hồi từ mức hầu như không có gì lên 75% so với mức trước đại dịch vào cuối năm 2023,” Sheana Yue, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách quốc tế đã sẵn sàng cảnh giác. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, mặc dù nhu cầu mạnh hơn sẽ được hoan nghênh, nhưng việc Trung Quốc mở cửa trở lại “sẽ gây áp lực lạm phát lên nhiều người trong chúng ta”.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục