Trung Quốc mở cửa thị trường quy mô 30.000 tỷ USD

(ĐTCK) Hôm nay (1/4), thị trường quản lý tài sản quy mô 30.000 tỷ USD tại Trung Quốc chính thức mở rộng cửa. Thị trường này dự kiến đạt quy mô 30.000 tỷ USD vào năm 2023, theo Oliver Wyman.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ðây là thị trường rộng lớn đầy sức hấp dẫn đối với các tổ chức kinh tế trên toàn cầu, nhất là khi các điều kiện thâm nhập thị trường từ trước tới nay còn nhiều hạn chế.

Theo đó, các tổ chức nước ngoài chỉ được phép hoạt động tại thị trường Trung Quốc với điều kiện liên kết với một doanh nghiệp địa phương, hoặc nắm giữ cổ phần không chi phối tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý tài sản đầu tư.

Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2020, các công ty quản lý tài sản, tư vấn đầu tư, tổ chức đầu tư được phép nộp đơn xin thành lập các quỹ tương hỗ, công ty quản lý tài sản với sở hữu 100% vốn ngoại tại Trung Quốc.

Nhiều nguồn tin cho biết, Vanguard và BlackRock là những ông lớn đang lựa chọn cách thức này. Một lựa chọn khác là việc nâng sở hữu lên 100% đối với các công ty liên kết hiện tại và đây là điều mà JPMorgan Chase & Co đang thực hiện.

Sở hữu toàn bộ doanh nghiệp

Hiện tại, có ít nhất 6 tập đoàn, bao gồm BlackRock và Vanguard đã trao đổi với giới chức Trung Quốc về ý định thành lập doanh nghiệp mới tại Ðại lục.

Trong những năm gần đây, nhà quản lý Trung Quốc Ðại lục đã cố gắng kiểm soát sự phát triển của các sản phẩm ngân hàng ngầm (shadow banking), đảm bảo tính ổn định của các thị trường tài chính. Diễn biến này tạo cơ hội cho các quỹ tương hỗ gia tăng thu hút tài sản đầu tư.

Giấy phép quản lý quỹ cho phép các nhà quản lý tài sản toàn cầu bán các chứng chỉ quỹ đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân.

Một số công ty còn sở hữu giấy phép quản lý vốn tư nhân, đồng nghĩa với việc có thể nhắm tới nhóm nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân có khối tài sản lớn.

“Sở hữu toàn bộ công ty quản lý tài sản sẽ là một trong những lựa chọn được nhiều công ty nước ngoài hướng đến, bởi nó cho phép doanh nghiệp cung cấp nhiều sản phẩm hơn và tiếp cần nhiều đối tượng khách hàng khác nhau”, Rachel Wang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Morningstar Inc cho biết.

Trung Quốc mở cửa thị trường quy mô 30.000 tỷ USD ảnh 1

Theo đánh giá của Oliver Wyman, ngay cả khi thị trường được mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài cũng chỉ chiếm khoảng 6% doanh thu tạo ra từ lĩnh vực quản lý tài sản cho tới năm 2023. Dù vậy, một mảnh nhỏ này cũng tương đương 8 tỷ USD và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn là đầy hứa hẹn.

“Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực thu hút các tổ chức nước ngoài tại lĩnh vực tài chính với suy nghĩ rằng, quy mô thị trường đủ lớn để ngay cả khi có sự hiện diện mạnh hơn của khối ngoại, các doanh nghiệp nội địa vẫn có ‘khoảng trời riêng’ và cạnh tranh được”, James Chang, người đứng đầu bộ phận tư vấn thị trường Trung Quốc tại PwC cho biết.

Công ty liên kết

Hiện tại, một số ngân hàng đầu tư đã sở hữu các doanh nghiệp liên kết tại Ðại lục, hoạt động chủ yếu ở khu vực quỹ tương hỗ. Với việc công ty nước ngoài hiện có thể nắm quyền điều hành, chưa rõ các mối quan hệ này sẽ có diễn biến ra sao trong thời gian tới.

“Nhiều công ty quản lý tài sản được hình thành nhờ sự liên kết giữa công ty ngoại và doanh nghiệp Trung Quốc không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân chính từ việc chỉ được cung cấp một số sản phẩm đầu tư nhất định”, chiến lược gia tại PwC cho biết.

Giải pháp đối với tình trạng này là công ty nước ngoài mua lại các đối tác của mình. Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho rằng, JPMorgan đang trong quá trình nâng sở hữu tại công ty quản lý quỹ liên kết ở Trung Quốc lên 100%.

Vanguard hiện cũng có một công ty liên kết với Ant Financial Servives Group và vừa bắt đầu bán các sản phẩm quỹ tương hỗ trên ứng dụng Alipay cho nhà đầu tư. Một số tên tuổi lớn khác có doanh nghiệp liên kết tại Trung Quốc bao gồm Morgan Stanley, UBS, Credit Suisse, Deutsche Bank, BlackRock và HSBC.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục