Hoạt động sáp nhập tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương đã tăng 55% trong năm 2015, lên mức 1,2 nghìn tỷ USD. Trong số đó, hơn một nửa số lượng các thương vụ thuộc về các công ty Trung Quốc.
“Đã tới thời đại của Trung Quốc trên thị trường M&A toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đang dần bước tới, theo đuổi và nắm bắt các thương hiệu nổi tiếng, thu về kinh nghiệm và nhân tài, nhằm nâng cao giá trị của họ”, Brian Gu, đồng Chủ tịch bộ phận M&A khu vực châu Á Thái Bình Dương của JPMorgan Chase & Co cho biết.
Morgan Stanley là nhà tư vấn được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ các thương vụ mua bán sáp nhập này, khi chiếm 17,6% thị phần trong các thương vụ tại châu Á -Thái Bình Dương trong năm 2015. Tiếp sau đó là Goldman Sachs Group Inc với 14,4% thị phần.
Dưới đây là 5 thương vụ mua lại tài sản nước ngoài nổi trội của các công ty Trung Quốc trong năm nay.
1.Qihoo 360 Technology mua lại toàn bộ cổ phần của chính mình (8,4 tỷ USD)
Nhà cung cấp phần mềm diệt vi rút Qihoo 360 Technology hiện đang có mức vốn hóa trên thị trường là 8,5 tỷ USD vào thời điểm công bố kế hoạch rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 6/2015. Mức vốn hóa này đã tăng 400% so với thời điểm Qihoo bắt đầu niêm yết tại Mỹ vào năm 2011.
Kế hoạch của Qihoo là rút niêm yết thông qua phương thức mua lại cổ phần để giữ quyền quản lý. Theo đó, Chủ tịch Qihoo cùng một nhóm các nhà đầu tư sẽ mua lại 85% số cổ phần của Công ty và cố gắng thu mua lại toàn bộ vào cuối năm nay.
2.ChemChina thâu tóm Pirelli (8 tỷ USD)
Tập đoàn Hoá chất quốc gia Trung Quốc (China National Chemical Corp - ChemChina), thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc, đã ký thỏa thuận mua lại hãng sản xuất lốp xe danh tiếng Pirelli đã 143 năm tuổi của Ý, với bản hợp đồng trị giá 7,7 tỷ USD. Ban đầu, ChemChina sẽ mua 26,2% cổ phần của Pirelli và thâu tóm toàn bộ phần còn lại sau đó.
Đây là thương vụ lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại châu Âu, cho phép ChemChina tiếp cận với công nghệ sản xuất lốp xe cao cấp, đồng thời giúp Pirelli có cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc rộng lớn. Lốp xe do Pirelli sản xuất được sử dụng cho các xe tham gia giải đua Công thức 1.
Chủ tịch hãng này sẽ trao lại quyền quản lý Pirelli trong ít nhất 4 năm tới, lên kế hoạch kết hợp bộ phận làm lốp xe tải và đưa một số chuyên gia tới bộ phận sản xuất tại Trung Quốc. ChemChina cũng đang có kế hoạch mua lại Syngenta AG của Thụy Sỹ.
3.Tsinghua Unigroup mua lại Western Digital (3,8 tỷ USD)
Công ty sản xuất chip do Nhà nước Trung Quốc sở hữu – Tsinghua Unigroup có kế hoạch mua Công ty sản xuất chip của Mỹ – Micron với giá 23 tỷ USD. Tuy nhiên, chính quyền Hoa Kỳ có thể ngăn cản thương vụ này với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.
Tsinghua Unigroup Ltd đã ký thỏa thuận mua lại 15% cổ phần của Western Digital Corp, nhà sản xuất lớn nhất thế giới về các giải pháp lưu trữ số và nổi tiếng về công nghệ ổ đĩa cứng HD. Trước đó, Western Digital đã chi tới 19 tỷ USD để mua SanDisk, hãng lớn thứ 3 thế giới về bộ nhớ flash và nằm trong danh sách Fortune 500 và S&P 500.
Quyết định trên đã giúp Tsinghua Unigroup ngay lập tức có thêm 17,7 tỷ USD lợi nhuận từ con chip dữ liệu SanDisk Corp. Đồng thời, với số cổ phần này, Tsinghua University hiện tại có 1 ghế trong hội đồng quản trị của Western Digital.
4.HNA Group mua Swissport International AG (2,8 tỷ USD) và Avolon Holdings (2,5 tỷ USD)
HNA Group, sở hữu hãng hàng không lớn thứ 4 tại Trung Quốc – Hainan Airlines Co, trong tháng 7 đã đồng ý mua lại nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường không và mặt đất lớn nhất thế giới Swissport International AG với giá 2,8 tỷ USD. Vài ngày sau đó, HNA Group còn tiến hành mua thêm hãng cho thuê máy bay Avolon Holdings Ltd với giá 2,5 tỷ USD.