Lạm phát trong tháng 4 của Trung Quốc đã chậm lại khi tăng với tốc độ yếu nhất trong hai năm qua. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất giảm sâu báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn giảm phát, nhu cầu trong nước trầm lắng và chi phí hàng hóa giảm.
Theo dữ liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng 0,1% trong 4 so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng 0,7% trong tháng 3. Chỉ số CPI tháng 4 thấp hơn so với mức ước tính trung bình của các nhà kinh tế là tăng 0,3%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm 3,6% trong tháng 4 sau khi giảm 2,5% trong tháng trước. Con số này nhiều hơn dự báo của các nhà kinh tế là mức giảm 3,3%.
Các số liệu tháng 4 có thể bị ảnh hưởng bởi cơ sở dữ liệu so sánh năm ngoái ở trong giai đoạn Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp phong toả chặt chẽ. Giá tiêu dùng của năm ngoái đã tăng lên nhanh chóng khi việc phong tỏa các thành phố lớn do dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và thúc đẩy mọi người tích trữ thực phẩm.
Sự suy giảm của chỉ số giá sản xuất cũng được lý giải là do chi phí giảm đối với các mặt hàng như quặng sắt và dầu thô.
Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Trung Quốc đang ngừng tăng hoặc giảm xuống bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế, cũng như bất chấp việc nước này đã gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid vào cuối năm ngoái.
Những bất ổn của nền kinh tế khiến các hộ gia đình nước này tiếp tục cất giữ tiền vào các sổ tiết kiệm thay vì chi tiêu. Còn các doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý thận trọng khi thực hiện các khoản đầu tư mới. Tất cả những điều này làm dấy lên nỗi lo về vòng xoáy giá cả - tiền lương (hiện tượng tăng giá do mức lương tăng lên và ngược lại) và khiến nền kinh tế càng khó phục hồi.
Dữ liệu lạm phát có thể giúp định hướng các bước tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trong bối cảnh các dấu hiệu phục hồi kinh tế của nước này đang suy yếu. Sau khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý I/2023 tăng tốc lên mức cao nhất trong hơn một năm qua thì những dữ liệu gần đây đã cho thấy một số dấu hiệu cảnh báo: hoạt động sản xuất bất ngờ giảm trong tháng 4, hoạt động nhập khẩu sụt giảm và tăng trưởng xuất khẩu suy yếu.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn duy trì lập trường ủng hộ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và hoạt động của bất động sản vẫn còn yếu.
PBOC có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết, vì gần đây nhiều ngân hàng tại nước này đã cắt giảm lãi suất tiền gửi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu khả năng tạm dừng tăng lãi suất.