Theo nghiên cứu của Bloomberg, Trung Quốc đã mua tài sản hoặc tiến hành đầu tư với giá trị ít nhất 318 tỷ USD trong 10 năm qua vào châu Âu. Trong giai đoạn này, địa lục già chứng kiến các hoạt động đầu tư của Đại lục gia tăng gần 45% so với các thương vụ đầu tư vào Mỹ.
Số lượng và kích cỡ của các thương vụ đầu tư, từ cơ sở hạ tầng ở phía Đông và Nam châu Âu, cho tới các doanh nghiệp công nghệ cao ở phía Tây đang khiến lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phải lên tiếng cảnh báo. Trong số đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đang thúc đẩy chiến lược để kiểm soát sự hiện diện và hưởng lợi của Trung Quốc tại châu Âu.
Theo phân tích số liệu về 678 thương vụ đã hoặc đang được hoàn thiện tại 30 quốc gia châu Âu từ năm 2008 tới nay, các doanh nghiệp có gốc nhà nước và công ty tư nhân Đại lục có liên quan tới các thương vụ trị giá ít nhất 255 tỷ USD dọc theo châu lục này. Gần 360 công ty châu Âu đã bị thâu tóm, từ nhà sản xuất lốp xe Ý Pirelli & C. SpA cho tới công ty cho thuê máy bay Ai-len Avolon Holdings Ltd. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc là cổ đông hoặc nắm quyền kiểm soát ít nhất 4 sân bay, 6 cảng biển, trang trại năng lượng gió tại ít nhất 9 quốc gia và 13 đội bóng chuyên nghiệp.
Những con số này đã loại trừ 355 thương vụ đầu tư, sáp nhập, liên doanh mà các thông tin không được tiết lộ. Trong số này, có ít nhất 12 thương vụ giá trị cao, có khả năng tăng thêm 13,3 tỷ USD vào số tiền Trung Quốc đã đổ vào châu Âu.
Đồng thời, các con số trên cũng loại trừ các dự án phát triển khu công nghiệp mới hoặc đầu tư chứng khoán, với giá trị ít nhất 40 tỷ USD theo nghiên cứu của American Enterprise Institute và Hội đồng châu Âu về quan hệ nước ngoài, cũng như khoản tiền 9 tỷ USD mua lại cổ phiếu tại Daimler AG, công ty mẹ của Mercedes-Benz mà tỷ phú Li Shufu vừa chi.
Trong giai đoạn 10 năm này, 2016 là năm Trung Quốc thực hiện các thương vụ với giá trị lớn nhất tại châu Âu. Trong đó phải kể tới việc China National Chemical Corp, hay còn gọi là ChemChina, thông báo đã mua lại nhà sản xuất thuốc trừ sâu Thụy Sĩ Syngenta AG với giá 46,3 tỷ USD.
Bỏ qua thương vụ mang tính đột biến trên, rõ ràng các doanh nghiệp Đại lục có xu hướng gia tăng đầu tư vào châu Âu qua các năm, với giá trị không thấp hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2008 cho tới nay, tính trung bình, giá trị mỗi thương vụ vào khoảng 127 triệu USD. Bên cạnh đó, điểm đến ưa thích nhất của các doanh nghiệp Trung Quốc là nước Anh, khi có riêng 70 tỷ USD đã được chi vào các hoạt động mua sắm tài sản, đầu tư tại đây.
Để hiểu rõ hơn tính chất của các khoản đầu tư vào châu Âu từ Đại lục, điều quan trọng là nắm bắt được ai là những nhà đầu tư năng nổ nhất? Theo đó, hơn 670 nhà đầu tư Trung Quốc hoặc nhà đầu tư Hồng Kông đáp ứng đủ các điều kiện đã tiến hành đầu tư vào châu Âu kể từ năm 2008. Trong số này, có gần 100 doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư nhà nước, với các thương vụ trị giá 162 tỷ USD, tương đương 63% tổng giá trị các thương vụ đã được công bố.
Đáng chú ý, lằn ranh giữa công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đầu tư vào châu Âu là khá nhạt nhòa. Chẳng hạn, nhóm công ty Cosco, hiện có tiềm năng thống trị thị trường vận chuyển container tại châu Âu, đang sở hữu cổ phần hoặc nắm quyền kiểm soát một số cảng từ Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) cho tới Biển Baltic, lại bao gồm cả công ty nhà nước đã niêm yết China Ocean Shipping Group Co. Chưa kể, 8 trong số 10 thương vụ mua tài sản lớn nhất tại châu Âu được xác định do công ty nhà nước, hoặc có vốn nhà nước thực hiện.
Làn sóng thu mua tài sản tại châu Âu của Trung Quốc chưa dừng lại. Không ít công ty Đại lục đang tỏ rõ mối quan tâm tới rất nhiều thương vụ, trong đó bao gồm việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Romania và Bulgaria, mua lại trạm trung chuyển containe tại Croatia và xây dựng cảng biển tại Thụy Điển, nắm quyền kiểm soát nhà sản xuất xe hơi Séc Skoda Transportation AS và nhà sản xuất dầu Ireland…