Tuy nhiên, không nhiều người đồng tình với quan điểm này của ông Trump, nhất là khi nhiều số liệu thực tế chỉ ra sự thật “đau lòng”: Mỹ cần Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc cần Mỹ.
Hiện tại, xuất khẩu vẫn đang là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc và nước Mỹ sở hữu thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu đóng góp vào GDP của Trung Quốc đã giảm từ 37% năm 2007 xuống còn chưa tới 20% năm 2017, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong quá trình cân bằng lại các động lực tăng trưởng kinh tế.
Bằng việc tập trung thúc đẩy nhu cầu nội địa, Trung Quốc có vị thế tốt hơn trước các áp lực từ thuế và các rào cản thương mại khác tại những thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, tình thế với nước Mỹ lại trái ngược. Hoa Kỳ đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh tiền lương hầu như không tăng lên. Chưa kể, sau Mexico và Canada, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, đồng thời là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất đối với nhiều mặt hàng chủ lực của quốc gia này.
Và tất nhiên, Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn cung tiền lớn từ Trung Quốc để chống đỡ tình trạng thâm hụt ngân sách hiện tại. Trung Quốc đang là chủ nợ trái phiếu Mỹ lớn nhất, khi nắm giữ trực tiếp 1.300 tỷ USD trái phiếu và ít nhất 250 tỷ USD các giấy tờ có giá khác của Mỹ. Việc thiếu hụt lượng cầu từ Trung Quốc có thể khiến đợt bán đấu giá trái phiếu Mỹ tiếp theo rơi vào bế tắc.
Điều khiến nước Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc xuất phát từ yếu điểm nội tại trong cấu trúc của nền kinh tế. Đó là việc thiếu hụt một cách đáng lo ngại tiết kiệm trong nước. Trong quý IV/2017, tỷ lệ tiết kiệm nội địa (bao gồm tiết kiệm hộ gia đình, kinh doanh và các khu vực của chính phủ) chỉ đạt 1,3% so với thu nhập quốc dân.
Do tỷ lệ tiết kiệm tại nội địa thấp nhưng vẫn muốn tiêu dùng và tăng trưởng, Mỹ cần đến tiền tiết kiệm từ bên ngoài và phải chịu thâm hụt cán cân thanh toán và thâm hụt thương mại lớn để "nhập khẩu" nguồn vốn đó.
Nếu như ông Trump từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là “kẻ xấu” với chiến lược thương mại bất công bằng, hưởng lợi từ mối quan hệ với nước Mỹ, thì các chuyên gia có cái nhìn “tỉnh táo” hơn. Theo đó, năm 2017, nước Mỹ thâm hụt thương mại với 102 quốc gia có quan hệ giao thương.
Bên cạnh đó, “sự tàn bạo” của Trung Quốc trong mối quan hệ thương mại với nước Mỹ dường như không quá nghiêm trọng như những gì Tổng thống Trump đang nhìn nhận.
Ông Trump cho rằng, nước Mỹ thâm hụt thương mại 500 tỷ USD với Trung Quốc, cao hơn 1/3 so với con số chính thức được công bố bởi Bộ Thương mại Mỹ, đó là 375 tỷ USD. Chưa kể, theo số liệu từ OECD và WTO, tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia cũng không tệ tới vậy.
Một vấn đề khác đối với nước Mỹ, đó là việc phải dựa vào nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc để có thể nhập khẩu các sản phẩm với giá rẻ. Một so sánh về chi phí lao động cho thấy, chi phí cho lao động tại Trung Quốc vào khoảng 2,3 USD/giờ, trong khi mức trung bình tại 9 thị trường khác để Mỹ lựa chọn nhập khẩu hàng hóa là khoảng 26 USD/giờ.
Việc Mỹ “gây hấn” với Trung Quốc bằng cách đánh thuế sẽ khiến nước Mỹ phải nhập hàng hóa từ những nhà sản xuất có chi phí sản xuất lớn hơn. Điều này đồng nghĩa với sức mua giảm đi và người tiêu dùng chịu thiệt.
Trong khi đó, không thể không nhắc tới vấn đề nội tại của nước Mỹ, đó là tỷ lệ tiết kiệm thấp. Với chương trình giảm thuế doanh nghiệp có giá trị 1.500 tỷ USD trong 10 năm tới và thêm 300 tỷ USD chi tiêu công tăng lên, tỷ lệ tiết kiệm nội địa tại Mỹ sẽ giảm về mức 0 hoặc thậm chí thấp hơn và thâm hụt thương mại với các quốc gia khác vì thế mà càng mở rộng.
Có thể thấy, nếu cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, nước Mỹ sẽ không ở thế thượng phong như ông Trump vẫn nghĩ.