Trung Quốc đổ tiền “mua” tầm ảnh hưởng toàn thế giới

Một nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng tại các khu vực trên thế giới bằng việc đổ tiền tài trợ cho các quốc gia nước ngoài nhằm đạt được cả quyền lực cứng và quyền lực mềm ở các nước này.
Cảng Hambantota ở Sri Lanka, công trình được Trung Quốc đổ tiền đầu tư xây dựng. (Ảnh: Getty). Cảng Hambantota ở Sri Lanka, công trình được Trung Quốc đổ tiền đầu tư xây dựng. (Ảnh: Getty).

SCMP trích một khảo sát của tổ chức nghiên cứu AidData (Mỹ) có tên “Listening to Leaders 2018” về tầm ảnh hưởng toàn cầu của các quốc gia có hoạt động tài trợ nước ngoài cho thấy so với vị trí 29 (trên 33 nước) năm 2014, Trung Quốc đã có bước tăng trưởng nhanh chóng trong việc gia tăng quyền lực thông qua tài trợ khi nước này tăng lên 8 bậc, đạt vị trí 21 (trên 35 nước) vào năm 2018.

Ngoài rút ngắn khoảng cách với nước đứng đầu, Mỹ, Trung Quốc chính thức vượt qua Ấn Độ (vị trí 24) và Nhật Bản (vị trí 25) trong bảng xếp hạng.

Các chuyên gia nhận định tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng là do nước này đẩy mạnh đầu tư vào sáng kiến “Vành đai, con đường” trị giá 126 tỉ USD.

Tiền không mua được tình cảm, nhưng nó giúp các nhà tài trợ có chỗ đứng.

Đây là kế hoạch thể hiện tham vọng của Bắc Kinh có thể xây các con đường, bến cảng và cơ sở hạ tầng kết nối các khu vực trên thế giới với nhau, theo AidData.

Ngoài ra, việc Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Mỹ được cho là do chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cắt giảm các khoản tài trợ nước ngoài.

“Còn quá sớm để đưa ra kết luận rằng Mỹ sẽ mất đi tầm ảnh hưởng. Đây chỉ là một khái niệm có tính tương đối", bà Samantha Custer, giám đốc AidData nhận định.

Chỉ số tăng trưởng này của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh Bắc Kinh cho hay họ sẽ thành lập bộ phận chuyên về hợp tác phát triển quốc tế nhằm quản lý nguồn tiền tài trợ nước ngoài.

Bà Custer cho biết dựa vào số liệu và phân tích, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục nâng cao tầm ảnh hưởng tới các quốc gia nước ngoài trong tương lai nhờ những khoản tài trợ lớn.

Tài trợ chưa hiệu quả

Mặc dù tầm ảnh hưởng gia tăng từ các khoản tiền viện trợ khổng lồ, nhưng Trung Quốc cũng được biết tới là nước kém hiệu quả trong việc cung cấp cho các nước đang phát triển mà họ tài trợ những tham vấn có giá trị về chính sách và cách sử dụng các khoản tiền đầu tư một cách hợp lý.

Trong 3 năm, Trung Quốc giảm 1 bậc từ vị trí 32 xuống 31 (trên tổng số 35 nước) tại danh sách xếp hạng những quốc gia cung cấp những thông tin tư vấn hữu ích cho các nước nhận tài trợ, theo báo cáo của AidData.

Bà Custer lý giải khái niệm "hữu ích" ở đây được hiểu là các nhà lãnh đạo của những nước nhận tài trợ có làm theo tham vấn của Trung Quốc về việc sử dụng các khoản tiền này hay không và ở mức độ nhiều hay ít.

Theo chuyên gia này, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc hỗ trợ các nước nhận tài trợ một cách kém hiệu quả. Một nguyên nhân có thể kể tới là Bắc Kinh hỗ trợ phân tán, thiếu đồng đều cho các cơ quan cấp dưới của quốc gia nhận tài trợ.

Điều này khiến cho bộ máy của các nước này hoạt động thiếu tính tổng thể, gắn kết, dẫn tới tình trạng không hiệu quả của các dự án tài trợ.

Mặt khác, dù Bắc Kinh trên danh nghĩa tuyên bố họ sẽ không can thiệp vào chính trị nội bộ của các nước nhận tài trợ, nhưng các nhà quan sát theo dõi các hoạt động của Trung Quốc quan ngại rằng Bắc Kinh đang dùng những khoản tiền này để đạt được cả quyền lực cứng và quyền lực mềm.

Các chuyên gia cảnh báo sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang có xu hướng tăng và tác động mạnh ở các khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Trung Đông và các quốc gia Bắc Phi.

“Tiền không mua được tình cảm, nhưng nó giúp các nhà tài trợ có chỗ đứng (tại các nước nhận tài trợ). Khi đó, tầm ảnh hưởng sẽ hình thành. Các quốc gia tài trợ sẽ có tiếng nói khi các quốc gia nhận tài trợ đưa ra quyết định”, bà Custer nhận xét.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục