Trung Quốc đem lại hy vọng cho giới đầu tư

(ĐTCK) Dữ liệu xuất khẩu bất ngờ của Trung Quốc đã mang lại kỳ vọng về sự hồi phục nhanh của nền kinh tế thế giới trong giới đầu tư, qua đó giúp các thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại trong phiên thứ Năm (7/5).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Báo cáo công bố sáng thứ Năm cho thấy, trong tuần trước, có thêm 3,1 triệu lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệm, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Con số ngày nay thấp hơn con số khổng lồ được công bố trong những tuần gần đây, nhưng vẫn còn rất lớn.

Sau báo cáo thất nghiệp hàng tuần này, ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo thị trường việc làm tháng 4. Theo dự báo, thị trường lao động Mỹ sẽ mất hơn 20 triệu việc làm trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 15%, từ mức 4,4% trong tháng 3.

Tuy nhiên, một tích cực là thông tin cho rằng, các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tuần tới. Cuộc họp diễn ra sau sự gia tăng căng thẳng gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc che giấu sự bùng phát Covid-19, và thậm chí tạo ra nó trong phòng thí nghiệm. Ông Trump mấy ngày trước còn dọa sẽ hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 nước được ký kết hồi tháng 1.

Những thông tin trên, cùng dữ liệu xuất khẩu tích cực của Trung Quốc và kết quả kinh doanh, cũng như triển vọng kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố đã giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại trong phiên thứ Năm, trong đó Nasdaq đã lấy lại hết được tất cả những gì đã mất trong đợt bán tháo hồi tháng 3 để xác lập mức điểm dương trong năm 2020.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Dow Jones tăng 211,25 điểm (+0,89%), lên 23.875,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,77 điểm (+1,15%), lên 2.881,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 125,27 điểm (+1,41%), lên 8.979,66 điểm.

Dữ liệu xuất khẩu tích cực của Trung Quốc cùng kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố cũng giúp chứng khoán châu Âu hồi phục mạnh trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của kinh tế thế giới.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 82,22 điểm (+1,40%), lên 5.935,98 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 153,07 điểm (+1,44%), lên 10.759,27 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 68,06 điểm (+1,54%), lên 4.501,44 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính trong khu vực biến động nhẹ trong phiên thứ Năm, trong đó chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông điều chỉnh nhẹ, chứng khoán Nhật Bản may mắn có sắc xanh với sự phân hóa mạnh khi trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài, còn chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi.

Theo báo cáo mới công bố hôm thứ Năm, xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng 3,5% trong tháng 4, so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 6,6% trong tháng 3. Trong khi trước đó, giới phân tích dự báo xuất khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc giảm hơn 18%. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,2% trong tháng 4 sau khi chỉ giảm 0,9% trong tháng 3.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 55,42 điểm (+0,28%), lên 19.674,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,62 điểm (-0,23%), xuống 2.871,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 156,85 điểm (-0,65%), xuống 23.980,63 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,15 điểm (-0,00%), xuống 1.928,61 điểm.

Điều bất ngờ là dù thị trường chứng khoán tăng trở lại trong phiên thứ Năm, nhưng giá vàng lại tăng vọt. Thông thường, giá vàng và chứng khoán thường trái chiều nhau, tuy nhiên trong phiên thứ Năm, giá vàng nhận được sự hỗ trợ từ việc đồng USD giảm, cũng như dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ.

Kết thúc phiên 7/5, giá vàng giao tăng 33,9 USD (+2,03%), lên 1.718,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 37,3 USD (+2,21%), lên 1.725,8 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục có phiên điều chỉnh nhẹ thứ 2 liên tiếp sau chuỗi tăng mạnh trước đó.

Kết thúc phiên 7/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,44 USD (-1,87%), xuống 23,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,26 USD (-0,88%), xuống 29,46 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục