Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu lúa mì sau khi mưa lớn gây thiệt hại mùa màng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đang khuấy động nguồn cung lúa mì trên toàn cầu với lượng nhập khẩu đang trên đà đạt mức kỷ lục trong năm nay sau khi mưa lớn làm thiệt hại vụ mùa trong nước.
Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu lúa mì sau khi mưa lớn gây thiệt hại mùa màng

Theo Bloomberg, sau đợt tăng giá của lúa mì Úc hồi đầu năm, số lượng lớn lúa mì đã được các công ty Trung Quốc đặt mua trong tháng này từ một số nhà xuất khẩu chính khác, bao gồm Mỹ, Canada và Pháp.

Động thái này diễn ra sau khi giá lúa mì đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm vào cuối tháng 9. Mặc dù điều đó báo hiệu nguồn cung hiện đang dồi dào, nhưng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc tạo thêm yếu tố bất ổn cho chuỗi cung ứng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước chiến tranh và các chính sách thương mại bảo hộ.

Darin Friedrichs, đồng sáng lập của Sitonia Consulting Co. cho biết: “Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và chắc chắn sẽ vượt hạn ngạch hàng năm. Có vẻ như Trung Quốc đã mua hết nguồn cung cấp dễ dàng xuất khẩu từ Úc và hiện cần tiến xa hơn”.

Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc qua các năm

Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc qua các năm

Trung Quốc sử dụng hạn ngạch để quản lý nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như lúa mì. Trung Quốc cho phép 9,636 triệu tấn ngũ cốc nhập khẩu mỗi năm hưởng mức thuế 1%, với 90% phân bổ dành cho các công ty chính phủ. Trên mức trần đó, mức thuế sẽ tăng lên 65%, một mức thường nằm ngoài tầm với của người mua tư nhân.

Trong nhiều năm, hạn ngạch không bao giờ được sử dụng hết. Nhưng điều đó đã thay đổi vào năm 2020 khi thỏa thuận thương mại của Trung Quốc với chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy hoạt động mua lúa mì từ Mỹ. Năm ngoái, tổng lượng nhập khẩu đạt kỷ lục 9,96 triệu tấn do người mua sử dụng lúa mì hơn trong thức ăn chăn nuôi và người dân Trung Quốc ăn nhiều bánh mì hơn. Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với Ai Cập với tư cách là nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.

Lượng lúa mì nhập khẩu từ nước ngoài của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023 đã đạt 9,56 triệu tấn, với hơn 60% có nguồn gốc từ Úc. Các công ty kinh doanh hàng hóa của Trung Quốc cho biết, người mua đang khảo sát vụ thu hoạch sắp tới của Úc để tìm nguồn cung trong tương lai, cũng như theo dõi tình trạng cây trồng ở các nước có nguồn gốc thay thế như Kazakhstan.

Luôn quan tâm đến việc đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 1 tỷ dân của mình, Trung Quốc rất muốn tăng cường dự trữ ngũ cốc, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị không thuận lợi ở Ukraine - một nước xuất khẩu lớn khác - và những đợt thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên khi hành tinh ấm lên.

Arlan Suderman, nhà kinh tế hàng hóa trưởng tại StoneX Financial cho biết, hoạt động mua lúa mì gần đây của Trung Quốc phần lớn gắn liền với các vấn đề thời tiết mà nước này gặp phải khi vụ mùa năm nay đến gần thu hoạch.

Ông ước tính rằng, những cơn mưa dai dẳng đã làm giảm chất lượng từ 30 - 40 triệu tấn lúa mì, khiến chúng phù hợp làm thức ăn chăn nuôi thay vì cho con người. Điều đó làm tăng nhu cầu Trung Quốc mua lúa mì xay xát chất lượng cao hơn từ thị trường thế giới để trộn với lúa mì của chính họ nhằm đáp ứng các mục tiêu về chất lượng thực phẩm.

Theo dữ liệu chính thức, vụ lúa mì mùa hè của Trung Quốc - chiếm phần lớn vụ thu hoạch - đã giảm 0,9% xuống 134,53 triệu tấn trong năm nay. Đây là sự suy giảm đầu tiên trong 7 năm.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục