Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5%

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là "khoảng 5,5%" trong Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng nay 5/3.
Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm 2021. Ảnh: AFP Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm 2021. Ảnh: AFP

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII sáng nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng năm 2022 của nước này là khoảng 5,5%. Còn các chi tiêu kinh tế khác như việc làm và lạm phát vẫn giống như năm 2021.

Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường cho biết thâm hụt ngân sách năm nay của Trung Quốc sẽ khoảng 2,8%, thấp hơn mức 3,2% của năm ngoái. Thủ tướng Trung Quốc kỳ vọng thu ngân sách sẽ tăng lên trong năm 2022 và chính phủ nước này có thể sử dụng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước, cho phép tăng chi tiêu năm 2022 hơn 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 316,5 tỷ USD) so với năm 2021.

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành phố là "không quá 5,5%" và chỉ số giá tiêu dùng là "khoảng 3%".

"Một bản phân tích toàn diện về các động lực phát triển trong và ngoài nước chỉ ra rằng năm nay đất nước sẽ gặp nhiều rủi ro và thách thức hơn, và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua chúng", ông Lý Khắc Cường phát biểu. "Những việc càng khó, chúng ta càng phải tự tin hơn và chúng ta phải thực hiện những bước đi vững chắc hơn để mang lại kết quả", Thủ tướng Trung Quốc nói thêm.

Ông Lý Khắc Cường cho biết, để đạt các chỉ tiêu kinh tế của năm nay, Trung Quốc cần theo đuổi "các chính sách vĩ mô thận trọng và hiệu quả", với chính sách tiền tệ "linh hoạt và phù hợp". Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ "nhìn chung sẽ được giữ ổn định ở mức cân bằng, thích ứng".

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong quý IV/2021, đạt mức tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng cả năm 2021 đạt 8,1%. Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng, trong khi các nền kinh tế lớn khác phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và ghi nhận tăng trưởng âm.

Chi tiêu tiêu dùng trong nước đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch Covid-19. Ngoài ra, việc Trung Quốc siết chặt quy định pháp lý đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản đã kéo hãm tốc độ tăng trưởng. Chưa kể, chính sách chống dịch nghiêm ngặt "zero-Covid" của Trung Quốc với các biện pháp phong tỏa đột ngột và hạn chế đi lại, cũng đã đè nặng áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong hai tuần gần đây, người đứng đầu các bộ ngành Trung Quốc đã cho biết về kế hoạch tăng cường hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ và người tiêu dùng.

Về tiêu dùng, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ "tăng thu nhập cá nhân thông qua nhiều kênh, cải thiện hệ thống phân phối thu nhập và tăng khả năng chi tiêu của người dân". Trung Quốc sẽ hỗ trợ mua các phương tiện sử dụng năng lượng mới và các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng hơn ở khu vực nông thôn.

Về phúc lợi xã hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trợ cấp của chính phủ đối với bảo hiểm y tế cơ bản cho người dân nông thôn và người thất nghiệp ở thành thị sẽ tăng bình quân 30 nhân dân tệ/người (tương đương 4,76 USD) còn trợ cấp cho các dịch vụ y tế công cộng cơ bản sẽ tăng bình quân 5 nhân dân tệ/người.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, Trung Quốc sẽ có những điều chỉnh. Theo quy định mới cập nhật, doanh nghiệp nước ngoài được phép sở hữu nhiều hơn trong một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như sản xuất ô tô con. Trung Quốc sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cùng các dịch vụ hiện đại, ở các khu vực trung tâm phía Tây và Đông Bắc của Trung Quốc.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục